Thời điểm để đối thoại

Giữa gam mầu không lấy gì làm tươi sáng của bức tranh toàn cảnh các sự kiện đáng chú ý trong dòng chảy đời sống quốc tế, câu chuyện về "điểm nóng" I-ran (Iran) bất chợt lại trở thành một dấu ấn tích cực.

Những diễn biến mới nhất cho thấy, hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu vẫn là những giá trị được rất nhiều quốc gia trân trọng.

Ít nhất, nói như Thủ tướng Ðức A.Méc-ken (Angela Merkel) ngày 26-8, trong vai trò kín đáo đại diện cho lãnh đạo số đông các nước trong nhóm G7 (nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới): "Tất cả chúng tôi đều rất quan tâm đến việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình, mặc dù điều đó là không hề dễ dàng".

Theo bà, tất cả các nguyên thủ G7 đồng thuận với nhau rằng I-ran sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân, và đó là mục đích bắt buộc để các cuộc đàm phán có thể được xem là "đi đúng hướng". Bà cũng hé lộ thêm rằng từ bên kia Ðại Tây Dương, nước Mỹ hoan nghênh những nỗ lực tiếp xúc giữa châu Âu với I-ran.

Và bà khẳng định: Mặc dù chưa thể biết kết quả hay triển vọng sẽ mở ra, nhưng việc các nước quyết tâm nối lại đối thoại "đã là một bước tiến lớn".

Thực tế là một loạt cuộc gặp cấp cao hai bên hay ba bên diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao G7 đã khép lại mà chưa thể xác lập được điều gì cụ thể trong kế hoạch hành động chung liên quan vấn đề hạt nhân của I-ran.

Song, thực tế cũng là những đồng vọng mang âm hưởng "hòa dịu" vang lên từ khắp các phía. Ngay sau khi "tạt qua" thị trấn Bi-a-rít (Biarritz, Pháp, nơi đang diễn ra Hội nghị cấp cao G7 lần thứ 45), Bộ trưởng Ngoại giao I-ran M.Gia-ríp (Mohammad Javad Zarif) viết trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân của mình: "Chính sách ngoại giao tích cực của I-ran trong việc theo đuổi các cam kết mang tính xây dựng vẫn tiếp tục". Và sau đó, thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp G.Y.Lơ Ðri-ăng (Jean-Yves Le Drian) rồi gặp gỡ Tổng thống Pháp E.Ma-crông (Emmanuel Macron) - cuộc gặp có sự tham dự của các cố vấn ngoại giao Ðức và Anh - và đánh giá các cuộc trao đổi "hướng tới một cam kết mang tính xây dựng".

Ở chiều ngược lại, Tổng thống Ð.Trăm (Donald Trump) cũng "đẩy nhẹ cánh cửa" để mở ra thêm một "khoảng sáng": "Nếu hoàn cảnh phù hợp, chắc chắn tôi sẽ đồng ý gặp người đồng cấp I-ran - Tổng thống H.Ru-ha-ni (Hassan Rouhani).

Rõ ràng là chưa có quá nhiều tín hiệu lạc quan. Song, thật sự là cũng không cần phải tiếp tục bi quan về tình trạng căng thẳng chung quanh vấn đề hạt nhân I-ran.

Hãy chú ý: Trong một thông báo bế mạc hội nghị khá lạ thường, nước chủ nhà Pháp tuyên bố rằng G7 "cam kết thúc đẩy thương mại quốc tế công bằng, cởi mở, vì sự ổn định kinh tế toàn cầu". Cho dù điều này cũng phản ánh sự chia rẽ giữa các thành viên về cách tiếp cận các "điểm nóng" (mà câu chuyện hạt nhân I-ran chỉ là một trong số đó), thì "giao điểm" của các cuộc tranh luận vẫn là lợi ích.

Sẽ không ai bảo đảm được lợi ích, cả hữu hình lẫn vô hình, cả về kinh tế lẫn tầm ảnh hưởng, khi bóng ma xung đột vẫn lởn vởn ở một khu vực mang tính "huyết mạch" như Vùng Vịnh. Vì lý do ấy, đã đến lúc những nhượng bộ và thỏa hiệp cần thiết có cơ hội được xuất hiện, thông qua đàm phán và khởi đầu bằng những cuộc đối thoại, chứ không phải bằng những lời hăm dọa.

Sức ép gia tăng đến một mức độ nào đó, sẽ hoàn toàn có thể trở nên mất kiểm soát và biến thành mối đe dọa với toàn thể cộng đồng. Và thế giới mong chờ nhiều cuộc tiếp xúc mang tính xây dựng nữa, không chỉ để cứu vãn một thỏa thuận hạt nhân…