Thêm một vùng lửa cháy

I-xra-en (Israel) không chậm trễ. Họ đã sẵn sàng thực hiện những bước đi gấp gáp và nguy hiểm cuối cùng, để tận dụng những cơ hội thuận lợi có được từ thời cuộc, nhằm chính thức xác lập chủ quyền của mình trên các vùng lãnh thổ xưa nay vẫn bị xem là chiếm đóng trái phép.

Và Bờ Tây, lại một lần nữa, buộc phải lên tiếng “kêu cứu”.

Nối tiếp những sự phản đối gay gắt từ cộng đồng người Pa-le-xtin (Palestine) cũng như thế giới A-rập (Arab), ngày 28-4, đến lượt Tổng thống Li-băng (Lebanon) M.A-o-un (Michel Aoun) “kêu gọi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tơ-rét (Antonio Guterres) ủng hộ Li-băng, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến diễn ra vào ngày 4-5”, bởi “những hành vi vi phạm chủ quyền liên tiếp của I-xra-en đối với Li-băng làm dấy lên các nguy cơ an ninh ở miền nam đất nước”.

Tổng thống Li-băng M.A-o-un nhấn mạnh rằng các hành động của I-xra-en đã vi phạm nghị quyết số 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ. Trong đó, mới nhất, sáng 27-4, nhiều hỏa tiễn I-xra-en đã được phóng đi từ không phận Li-băng, nhắm vào Thủ đô Ða-mát (Damascus) của Xy-ri (Syria), làm bảy người thương vong, cho dù đã bị hệ thống phòng thủ của Xy-ri đánh chặn.

Cùng lúc ấy, Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ny-a-hu (Benjamin Netanyahu) không giấu giếm lòng tự tin, về việc đề xuất hòa bình dành cho Trung Ðông được Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump) đề xuất hồi tháng 1-2020 - điều mà I-xra-en cũng như toàn thế giới xem là một lời hứa thừa nhận chủ quyền của I-xra-en đối với các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây (kể cả tại phần đất của Pa-le-xtin lẫn các vùng lãnh thổ Li-băng bị chiếm đóng) - sẽ sớm được thực hiện, “chỉ trong vài tháng tới”.

Bởi mục tiêu này, ông B.Nê-ta-ny-a-hu đã sẵn lòng ký thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp với các đối thủ chính trị trong nước thuộc đảng Xanh - Trắng. Ðồng thời, ông xác lập luôn thời hạn mở đầu cho các cuộc bàn thảo về tiến trình mở rộng chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, và trực tiếp sáp nhập vùng “thung lũng Gioóc-đa-ni (Jordan)”.

Cũng trong thời điểm này, toàn Trung Ðông đối diện với những viễn cảnh vô cùng khó khăn, đầy nghẹt những thách thức kinh tế - xã hội nan giải, khi cùng lúc bị bủa vây bởi xung đột, đại dịch Covid-19 cũng như tình trạng giá dầu lao dốc không phanh.

Riêng Li-băng, từ giữa tháng 4, đã bị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá là “rơi vào khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua”, với mức nợ công lên tới 90 tỷ USD (tương đương 170% GDP) - một trong những mức nợ công cao nhất thế giới. Nếu trên bản đồ địa chính trị “có biến”, Li-băng hầu như không có khả năng phản ứng hữu hiệu, bởi nền kinh tế của họ có thể suy giảm tới 12% trong năm nay.

LI-BĂNG lụn bại, còn Pa-le-xtin - cho dù vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận tiến bộ thế giới - cũng vẫn đang bị dồn vào thế bí trong cuộc chiến đòi chủ quyền của mình.

Kẻ mạnh đang gia tăng sức ép, nhằm áp đặt luật chơi của riêng họ lên toàn khu vực. Ðó là một tiến trình đã được khởi động từ rất lâu, và đến giờ, việc “bức tử” giải pháp “hai nhà nước” cho Giê-ru-xa-lem (Jerusalem), cũng như hợp pháp hóa chủ quyền của I-xra-en tại những vùng lãnh thổ chiếm đóng, đã đến rất gần trong hiện thực.

Ðiều đó cũng có nghĩa là hòa bình, ổn định và thịnh vượng sẽ còn phải chờ đợi thêm rất lâu, không biết đến tận bao giờ, mới có thể hiện hữu tại khu vực nghìn năm lửa cháy này. Bởi vì, sau Giê-ru-xa-lem, sau “thung lũng Gioóc-đa-ni”, sau những khu định cư Do Thái, hẳn mọi quốc gia thuộc cộng đồng A-rập Hồi giáo khác tại Trung Ðông đều hiểu: tiến trình “vẽ lại bản đồ” để chính thức sáp nhập và áp đặt chủ quyền I-xra-en sẽ hoàn toàn có thể tiếp diễn với cao nguyên Gô-lan (Golan) của Xy-ri, hay bất cứ phần lãnh thổ nào khác mà họ giành được từ các cuộc chiến tranh…