Thêm một bước lùi

Ít nhiều, những hy vọng về một tương lai hòa bình cũng đã từng le lói cho Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan), với việc quân đội Mỹ đã và đang triệt thoát dần các binh sĩ của mình khỏi quốc gia Nam Á đó, sau những thỏa thuận quan trọng với lực lượng đối lập Ta-li-ban (Taliban). Tuy nhiên, đến lúc này, phần còn lại của câu chuyện vẫn còn vô vàn những khúc mắc chưa thể được giải quyết.

Ngày 7-4, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Áp-ga-ni-xtan G.Phai-xan (Javid Faisal) khẳng định rằng Chính phủ Ca-bun (Kabul) vẫn sẽ duy trì triển khai kế hoạch phóng thích các tù nhân Ta-li-ban - một yếu tố quan trọng trong các cuộc hòa đàm do Mỹ làm trung gian, nhằm "thiết kế" một giải pháp chính trị cho những mâu thuẫn sâu sắc trong lòng quốc gia ấy.

Phai-xan phải "đăng đàn" lên tiếng rõ ràng như thế, bởi trước đó, người phát ngôn của phía Ta-li-ban tại Ca-ta (Qatar) - S.Sa-hin (Suhail Shaheen) - viết trên tài khoản mạng xã hội Twitter cá nhân của mình rằng: Các nhà đàm phán bên phía Ta-li-ban sẽ "không tham gia những cuộc họp vô nghĩa".

Ðó là phần tiếp theo của một loạt những hành động dữ dội rộ lên trong đợt sóng giao tranh mới từ cuối tháng 3. Nó chứng minh nỗi lo ngại hằn sâu khi không ít nhà quan sát quốc tế tiên liệu: Khi quân đội Mỹ rút đi, sẽ có những khoảng trống quyền lực xuất hiện, và Ta-li-ban nhất định sẽ tận dụng.

Ngày 28-3, Ta-li-ban đã tiến công các trạm kiểm soát an ninh do các lực lượng vũ trang của Chính phủ Ca-bun quản lý ở nhiều nơi, hậu quả là ít nhất 10 binh sĩ chính phủ cùng tám chiến binh Ta-li-ban thiệt mạng. Một ngày sau, thêm khoảng sáu binh sĩ, 13 cảnh sát cùng các tay súng thân Chính phủ Áp-ga-ni-xtan bị bắn chết trong các cuộc đột kích mới.

Ðáp lại, đến ngày 4-4, M.Áp-đu-la (Mawlawi Abdullah) - kẻ tự xưng là tiểu vương Nhà nước Hồi giáo (IS) tại tỉnh Khô-ra-xan (Khorasan) - bị bắt, với tội danh chủ mưu các vụ tiến công khủng bố. Ngày 7-4, quân đội Áp-ga-ni-xtan tiêu diệt một chỉ huy cấp cao của Ta-li-ban, khi kẻ này đang cùng quân lính của mình tiến công vào một trụ sở cơ quan công quyền ở Ba-ha-rắc (Baharak).

Tới lúc này, mọi triển vọng đàm phán hòa bình "nội bộ" giữa Ta-li-ban với Chính phủ Ca-bun đều đã trở nên mờ mịt, khi xuất hiện thêm quá nhiều tang tóc và thù hận. Ðúng như tiên liệu của các chuyên gia phân tích, sau khi mở đường cho các lực lượng quân sự nước ngoài do Mỹ dẫn đầu "phủi tay", Ta-li-ban đã tăng cường hoạt động gần như ngay lập tức. Họ muốn đạt được thêm nhiều ưu thế trên bàn đàm phán và tiến tới những đòi hỏi to lớn hơn trong các giải pháp chính trị, bởi họ biết rõ: Không còn điểm tựa là quân đội Mỹ, Chính phủ Ca-bun sẽ khó khăn đến nhường nào trong việc áp đặt quyền lực nhà nước.

Và ngược lại, các lực lượng vũ trang Áp-ga-ni-xtan bằng mọi giá phải chứng minh được rằng họ đủ mạnh mẽ để không sụp đổ trước những làn sóng tiến công thù địch ấy, từ những kẻ đang khao khát giành lại quyền lực.

Triển vọng hòa bình đã bị đẩy lùi. Ở một khía cạnh nào khác nữa, chuyện Chính phủ Ca-bun cố gắng duy trì tiến trình phóng thích tù nhân cũng là một sự nhượng bộ. Song, Ta-li-ban vẫn tăng cường sức ép.

Nếu các cuộc đàm phán đình trệ và đổ vỡ; khi những toán lính Mỹ đầu tiên đã kịp trở về nhà, đồng thời những người khác cũng đang sẵn sàng trở về nhà; dưới ý chí tạo lập và bảo vệ một "thỏa thuận lịch sử" - điều mà đương kim Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump) nhấn mạnh, chuyện bạo lực và giao tranh tiếp tục bùng lên tại Áp-ga-ni-xtan là không thể tránh khỏi.

Sau bước lùi này, trong bối cảnh những đợt giao tranh đã, đang và sẽ còn tiếp tục diễn ra, nếu không phải là một trong hai phía thất bại nặng nề đến độ phải chấp nhận "xếp giáp quy hàng", liệu có cơ hội nào cho hòa bình!?