Thêm một bước lùi

Như một bộ phim truyền hình dài tập, khi đạo diễn và các nhà biên kịch luôn có thể tạo nên những ngã rẽ mới để phát triển câu chuyện, đến tận lúc này, vẫn không ai dám chắc tiến trình đưa nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), thường được gọi là Brexit, sẽ có thể khép lại với một cái kết “có hậu” hay không. Cho dù, ngày 9-4, với 420 phiếu thuận và 110 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất của Thủ tướng T.Mây (Theresa May), về việc hoãn thời hạn chót của Brexit tới ngày 30-6.

Nhưng, đó mới chỉ là đề xuất của phủ Thủ tướng Anh. Còn EU có chấp nhận đề xuất đó hay không, thì lại là một câu chuyện mới, và hoàn toàn khác. Khúc ngoặt này, không hề đơn giản, lại liên quan một vấn đề mang tính pháp lý, và chắc chắn sẽ còn làm dấy lên những tranh cãi.

Nếu đến tận ngày 30-6, Brexit mới chính thức diễn ra, thì đương nhiên, cho đến lúc đó, nước Anh vẫn còn là thành viên của EU. Họ vẫn sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm với cộng đồng chung này. Bởi vậy, EU đặt ra một điều kiện tiên quyết: Luân Ðôn sẽ phải tổ chức bầu cử Nghị viện châu Âu (từ ngày 23 đến 26-5), để phù hợp với pháp luật chung. Nếu không, Brexit sẽ diễn ra vào ngày 1-6, theo kịch bản “chia tay không thỏa thuận”.

Có điều, ngày 8-4, Chính phủ Anh đã hé lộ rằng họ không có ý định tham gia cuộc bầu cử này. Họ hy vọng vẫn có thể từ biệt châu Âu vào trước thời điểm đó, thậm chí là vào 22-5.

Tuy nhiên, phía “nắm đằng chuôi” trong câu chuyện này, có lẽ lại không phải nước Anh.

Và cũng trong ngày 8-4, Quốc hội Anh thông qua một dự luật cho phép các nhà lập pháp nghiên cứu cũng như thay đổi các đề nghị của Thủ tướng T.Mây, quanh các cuộc đàm phán với châu Âu nhằm trì hoãn thời hạn Brexit đến ngày 30-6. Nói cách khác, đương kim Thủ tướng Anh sẽ bắt buộc phải tham vấn các chuyên gia ấy, và chắc chắn không đủ quyền lực để tự quyết định bất cứ điều gì.

Mọi chuyện thậm chí có thể còn trở nên tồi tệ hơn đối với bà, bởi những diễn biến trắc trở của Brexit đã và đang trở thành cơ hội tốt cho các đối thủ chính trị khác. Ngay trong đảng Bảo thủ, cũng đã dấy lên những lời kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà T.Mây, chưa kể đến các lực lượng chính trị đối lập.

Rất nhiều người nghĩ rằng, nước Anh có thể có được một thủ tướng mới hoạt động hiệu quả hơn, đàm phán với châu Âu lục địa cứng rắn và mạnh mẽ hơn người đương nhiệm. Có điều, như vậy phải chăng cũng đồng nghĩa với việc đánh giá quá thấp sự khôn ngoan, kinh nghiệm dạn dày cũng như thái độ kiên quyết của phái đoàn đàm phán EU?

Muốn ra đi, nhưng nước Anh mới là phía không sẵn sàng ra đi bằng bất cứ giá nào. Muốn được trì hoãn sự ra đi ấy, nhưng nước Anh lại đòi hỏi một quy chế đặc biệt, mà không mặn mà với việc “hy sinh” cho sự trì hoãn đó. Họ muốn rất nhiều, mà chấp nhận đánh đổi thì lại khá ít. Nội bộ chính trường Anh chia rẽ, trong khi EU đạt được sự đồng thuận khá cao, đặc biệt là sau một thời gian khá dài và mỏi mệt chờ đợi đến thời điểm chính thức tiến hành những dự án cho tương lai (không còn nước Anh như một thành viên trong đội ngũ) của chính mình.

Những mâu thuẫn phức tạp và đa chiều này chưa từng được giải quyết triệt để suốt thời gian qua. Chẳng có gì bảo đảm rằng, nó sẽ được giải quyết trong khoảng thời gian gia hạn ít ỏi sắp tới. Chỉ là, nếu “trời không chịu đất”, thì dưới vô vàn sức ép, “đất sẽ phải chịu trời”.

Phải xin gia hạn, nghĩa là đã một lần Luân Ðôn “xuống nước”. Ðiều đó cũng vẫn có thể xảy ra một lần nữa, nhưng những cuộc đàm phán sẽ càng lúc càng khó khăn.