Thành tựu quan trọng nhất

Ngày 14-4, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN + 3 (Hội nghị cấp cao về ứng phó với đại dịch Covid-19 giữa ASEAN và ba quốc gia đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) - hội nghị cấp cao quốc tế đầu tiên được tổ chức bằng hình thức trực tuyến - đã khép lại thành công, với những lộ trình và giải pháp quan trọng được vạch ra. Tuy nhiên, có thể nói, chỉ riêng việc ASEAN + 3 diễn ra cũng đã bao hàm rất nhiều ý nghĩa.

Bởi vì, như đánh giá của Trưởng phái đoàn thường trực Hàn Quốc tại ASEAN - Đại sứ Lim Sungnam: “Thành tựu quan trọng nhất của hội nghị cấp cao này là tình đoàn kết và ý thức hợp tác của tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN + 3, trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung: Dịch bệnh”.

Cùng quan điểm ấy, trả lời phỏng vấn báo chí sau hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản A.Sin-dô (Abe Shinzo) khẳng định: “Sự hợp tác giữa ASEAN và các quốc gia Đông Á là vấn đề then chốt, trong bối cảnh chúng ta cần phải phối hợp để khống chế và chấm dứt sự lây lan của đại dịch Covid-19”.

Hơn cả một bản tuyên bố chung - yếu tố đánh dấu và xác lập sự thành công của bất cứ hội nghị nào, ASEAN + 3 (dưới sự chủ trì của Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020) còn thể hiện được đầy đủ sự nhất trí, đồng thuận và quyết tâm hợp tác trong những điều khoản của bản tuyên bố chung đó.

ASEAN + 3 đã không chỉ cho giới quan sát quốc tế thấy những lời “hô khẩu hiệu” chung chung, mà là cả một chương trình hành động với các cam kết cụ thể, sẵn sàng triển khai.

Trong đó, bên cạnh việc tăng cường hệ thống cảnh báo sớm trong khu vực về đại dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác thông qua việc đẩy mạnh trao đổi thông tin; bên cạnh tiến trình nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh của mỗi quốc gia và cả khu vực; ASEAN + 3 “xem xét thành lập một kho dự phòng các loại vật tư y tế thiết yếu” nhằm phục vụ các trường hợp khẩn cấp, cũng như khuyến khích sử dụng các kho dự phòng hiện đã có, đồng thời nỗ lực bảo đảm đủ tài chính để ngăn chặn đại dịch và bảo vệ người dân…”.

Quan trọng nhất, ASEAN + 3 tái khẳng định cam kết mở cửa thị trường đối với thương mại và đầu tư, cam kết tăng cường hợp tác giữa các nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực, tăng cường khả năng phục hồi cũng như củng cố tính bền vững của chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu.

Nếu ngay lập tức sau hội nghị, Nhật Bản ngỏ ý sẵn sàng cung cấp miễn phí loại thuốc kháng virus mang tên Avigan (còn có tên khác là Favipiravir) cho khoảng 20 quốc gia nhằm mở rộng nghiên cứu về tính hiệu quả của loại dược phẩm này, thì Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết “dành mọi sự ủng hộ có thể” đối với các quốc gia thành viên ASEAN và các quốc gia khác, trong cuộc chiến với Covid-19. Hàn Quốc cũng rất quan tâm và sẵn sàng tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN - Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận chuyên ngành cụ thể.

Cả một guồng máy ở phía Đông - Đông Nam châu Á đã thật sự được kích hoạt.

Chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là “Xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Thực tế đã ngay lập tức đặt ra cho Việt Nam những thách thức - cũng là những cơ hội - cụ thể hóa chủ đề ấy thành những hành động trong thực tiễn, giữa một bối cảnh vô cùng khó khăn của toàn thế giới. Và, như đánh giá của Đại sứ Lim Sungnam: “Việt Nam đã thật sự thể hiện được vai trò lãnh đạo gắn kết và chủ động thích ứng, thông qua việc tổ chức kịp thời hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với Covid-19”.

Một hội nghị cấp cao trực tuyến, với sự tham dự của đầy đủ các nguyên thủ 10 quốc gia ASEAN cũng như ba đối tác, tự bản thân nó đã là một bước đi tiên phong mang tính hình mẫu. ASEAN + 3 đã diễn ra suôn sẻ, và đã khép lại thành công, khi gợi mở được cả một lộ trình hợp tác rộng lớn về phòng, chống các hậu quả dịch bệnh một cách toàn diện, trong cả tương lai ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Điều đó sẽ không thể hiện hữu, nếu thiếu vắng thiện chí cũng như sự chân thành…