Sự ngăn cách

Chín năm sau phong trào “Chiếm lĩnh phố Uôn” (Occupy Wall Street), nước Mỹ lại một lần nữa rung chuyển bởi những làn sóng xuống đường của người dân. Lần này, lý do chính là câu chuyện liên quan phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, bên cạnh điều đó, tình cảnh tan hoang của những cửa hàng bị cướp phá cũng gợi lên nhiều điều.

Đừng nói với chúng tôi về sự cướp bóc” - T.Ma-lo-ri (Tamika Mallory), một nhà hoạt động nữ quyền da mầu yêu cầu các phóng viên, ngày 2-6.

Ở một diễn biến khác, ngày 1-6, trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân, cựu Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama) kêu gọi mọi sự hỗ trợ để những người biểu tình “tạo nên bản lề cho một sự xoay chuyển đích thực”…

Tất cả những lời lẽ ấy cất lên khi đường phố của những thành phố lớn từ bờ Ðông nối sang bờ Tây nước Mỹ đều đã mang dáng dấp của các bãi chiến trường. Bối cảnh này tạo nên một sức ép vô cùng to lớn đối với chính quyền của đương kim Tổng thống Ð.Trăm (Donald Trump), nhất là khi toàn thế giới (kể cả các đồng minh phương Tây gần gũi) cũng lên tiếng bày tỏ thái độ không thể bênh vực những gì đã dẫn đến cái chết thương tâm của nạn nhân G.Phơ-loi (George Floyd).

Song…

Có lẽ cần phải nhìn nhận những khía cạnh riêng rẽ của đợt chấn động này.

Nạn phân biệt chủng tộc là điều đáng xấu hổ đối với bất cứ xã hội văn minh nào, và đáng bị lên án, nhất là khi nó dẫn tới hệ lụy những mạng người bị lấy đi một cách quá dễ dàng, như sự việc đang làm rung chuyển nước Mỹ.

Có điều, việc nhân chuyện xuống đường đòi hỏi tự do và công lý để “vét sạch” mọi cửa hàng trong tầm mắt của một số không nhỏ thành phần quá khích hay cơ hội cũng rất khó có thể bênh vực, như cách T.Ma-lo-ri ngụy biện. Những hành động đó chỉ phục vụ lợi ích cá nhân, và không thể khoác lên cho chúng bất cứ tấm áo cao cả nào.

Vì những hành động ấy, nền kinh tế Mỹ - vốn đã và đang tổn thương trầm trọng bởi đại dịch Covid-19 - sẽ còn khó khăn hơn trong việc hồi phục.

Tuy nhiên, điều gì xuất hiện và tồn tại cũng có lý do riêng.

Cho dù không thể ủng hộ những hành động cướp phá hay trạng thái vô chính phủ cực đoan, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận rằng tình trạng này chính là “điều phải đến cuối cùng cũng đến”.

Trong sâu thẳm, căn nguyên của hình ảnh những kệ hàng trống rỗng không còn sót lại chút gì tràn ngập trên truyền thông thế giới cả tuần qua đã được phong trào “Chiếm lĩnh phố Uôn” xác lập từ chín năm trước, với cách phác họa vô cùng dễ hiểu: 1% người giàu sở hữu 99% tài sản của nước Mỹ, và đối diện với họ là 99% số người còn lại.

Hố thẳm ghê gớm ngăn cách giàu nghèo trong xã hội ấy, cơn phẫn nộ cộng đồng ấy, chín năm qua, chưa thật sự được thu hẹp. Thậm chí, tỷ lệ thuận với những biểu đồ tăng trưởng kinh tế, có lẽ nó còn giãn ra thêm. Và hiện tại, có những đám đông đập vỡ kính các cửa hiệu, xông vào vơ vét, có thể chỉ để hoan hỉ quay ra với một chiếc điện thoại iPhone đời mới nhất.

Trật tự sẽ được vãn hồi. Nạn phân biệt chủng tộc sẽ rồi bị chặn đứng. Nhưng còn sự ngăn cách này?