Sống sót bằng những giá trị cũ

Bảy năm trước, vào ngày cuối cùng của năm 2012, tạp chí hằng tuần có tuổi thọ lên đến 80 năm Newsweek ngừng phát hành bản in, đánh dấu một cơn bão thổi bay dần các tờ tuần báo trên toàn cầu, với một lý do tưởng chừng vô cùng hợp lý: Không có chỗ cho sự chậm chạp và rề rà, trong thời đại Internet.

Sống sót bằng những giá trị cũ

Nhưng, ngoài những than khóc đã trở thành trào lưu về cái chết được đóng khung như là tất yếu của báo in, không thể phủ nhận rằng những ngày cuối cùng của Newsweek đã chứng kiến tờ báo này “tha hóa”. Các tờ bìa nhiều tranh cãi, động chạm hơn, nhưng ít chiều sâu hơn: Một trang bìa chế giễu Tổng thống Mỹ Obama; một trang bìa khác in bức hình tưởng tượng Công nương Diana ở tuổi 50 đã khiến ngay cả tờ Los Angeles Times (Mỹ) cũng phải phẫn nộ: “Sốc, xuất sắc hay đơn giản là trò câu view rẻ tiền”?

Sự tha hóa ấy dường như đến từ guồng chân quá nhanh của nỗ lực cấp tiến hóa. Nhưng đôi khi, việc “sống sót” không phải “chạy nhanh hơn”, mà là “điềm tĩnh hơn với những đổi thay”.

Sống sót bằng những giá trị cũ ảnh 1


Scientific American (SA), tuần báo của Mỹ có lịch sử 173 năm chứa đựng những dữ liệu vô cùng quý giá: Gần 200.000 bài báo nguyên bản trong gần hai thế kỷ, ghi chép đầy đủ về những sự kiện ngày xửa ngày xưa, từ việc Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại cho đến sợi dây tóc bóng đèn của Thomas Edison.

Cách thức để duy trì tương tác với độc giả của nó dựa vào “tài sản” vô giá ấy. Tờ tuần báo này đặt ra hai gói nội dung cho độc giả muốn truy cập vào kho dữ liệu khổng lồ này của họ: 99 USD để đọc thỏa thích trọn đời tất cả các nội dung từ bản in đến online, và 75 USD nếu chỉ muốn truy cập các dữ liệu báo giấy.

Và đến giờ, SA vẫn sống. Bằng cách “lợi dụng” chính tuổi thọ của nó, và sự lì lợm của việc lưu trữ. Độc giả không chỉ mua một tờ báo, mà còn thưởng thức cả lịch sử, bề dày và sự kiên định. SA là một biểu tượng chuẩn mực: Không có giật tít, câu view. Chỉ có khoa học, khám phá, công nghệ, sự tò mò với thế giới trên tờ báo đã từng được Albert Einstein lừng danh viết bài cộng tác.

The Nation, tạp chí bắt đầu phát hành từ năm 1865, còn đi xa hơn thế trong việc tận dụng quá khứ cổ thụ của mình. Tháng 5-2014, khi lượng phát hành sụt giảm rõ rệt, tờ báo này bất ngờ tung ra một mục có tên “Back Issues” (tạm dịch: Bàn chuyện xưa) kết hợp đăng lại những bài báo xa xưa của họ nhân một sự kiện mới ở hiện tại có tính tương đồng: “Từ bản luận tội Johnson (Tổng thống thứ 17 của nước Mỹ) cho đến luận tội Bill Clinton, từ Công xã Paris cho đến phong trào Chiếm phố Wall, hay hệ thống phân biệt chủng tộc Jim Crow từ cũ đến mới, The Nation đều đã chứng kiến, với tư cách là tạp chí lâu đời nhất nước Mỹ. Khả năng khám phá của chúng tôi là vô tận!” - biên tập viên Richard Kreitner kiêu hãnh.

Truyền thống, có lúc bị đánh đồng với lạc hậu, cổ hủ, thiếu thức thời… trong trường hợp này, là vũ khí sắc bén. The Spectator, phát hành số đầu tiên vào tháng 7-1828 và hiện vẫn là tờ tạp chí tiếng Anh cổ xưa nhất từng được biết đến, hiểu rất rõ điều này. The Spectator là minh chứng sống động cho lòng trung thành với độc giả. Bất chấp mọi hoàn cảnh, tờ báo chưa hề nghỉ một số nào trong gần 200 năm tồn tại của mình, điều có vẻ bình thường với nền báo chí hiện đại, nhưng là một nỗ lực vô tiền khoáng hậu vào những năm đầu thế kỷ 20.

Trong cuộc tổng đình công tại nước Anh vào tháng 5-1926, khi các nhà in ngừng hoạt động, nó đã được sản xuất bằng máy photocopy hiệu Gestetner. Trong cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào tháng 2-1947, khi chính phủ của Thủ tướng Attlee tuyên bố tất cả các tuần báo của nước Anh sẽ bị đình bản trong hai tuần để bảo toàn tài nguyên quốc gia, The Spectator vẫn hiện diện, đăng “ké” trang 2 của tờ Thư tín hằng ngày từ ngày 20 đến ngày 27-2-1947, với các mục bình luận chính trị, sổ tay biên tập và bình văn chương.

Năm 1970, khi số ra ngày 4-7 buộc phải gộp vào số 11-7 vì các nhà in đình công, ban biên tập đã đính kèm một lời xin lỗi đến độc giả vì “sự cố bất thường này”, và đó là lần duy nhất. Vào năm 2020 tới đây, The Spectator sẽ có 192 tuổi đời, chính thức trở thành tờ báo đại chúng lâu đời nhất trong lịch sử.

Real Change, tờ tuần báo có tuổi đời mới 25 năm có trụ sở tại Seattle (Mỹ), cũng sống sót một cách thông minh, dù Tim Harris, nhà sáng lập Real Change, khẳng định: “Chúng tôi sẽ không bao giờ phát hành trên mạng” - điều hoàn toàn điên rồ trong kỷ nguyên số. Tuần báo này bán được trung bình 550.000 bản mỗi năm (dù trong vòng 5 năm qua, doanh số của nó đã giảm 30% theo đà xuống dốc chung của báo in), và chỉ sử dụng một mô hình phát hành vô cùng cơ bản: Bán rong.

Susan Russell, một thành viên của lực lượng phát hành, bắt đầu tuần mới bằng việc bước đến hiên nhà nhận 150 tờ Real Change. Bà phải trả khoảng 60 cent cho một tờ, trước khi ra đường và bán lại nó cho độc giả với giá 2USD/tờ kể cả tiền boa. Russell, 56 tuổi, là một trong những siêu sao bán hàng của Real Change, nằm trong “CLB 600” (bán được 600 tờ/tháng). Bán được 300 tờ/tháng sẽ giúp bà giành được một vị trí bán hàng đắc địa ở Seattle.

Sáu năm trước, từ một người thuộc tầng lớp trung lưu, Russell bất ngờ không còn khả năng lao động sau một vụ tai nạn. Các hóa đơn ập đến, tiền tiết kiệm cạn kiệt, bà bắt đầu phải ra đường ngủ, cho đến khi Real Change xuất hiện.

Hàng triệu USD đã về với những người vô gia cư, thất nghiệp..., như thế. Mô hình phát hành truyền thống này, kết hợp với việc tận dụng lực lượng lao động là những người đang bị xã hội bỏ lại phía sau, đã giúp không chỉ một tờ tuần báo sống sót, mà góp phần thay đổi số phận của nhiều người, như Susan Russell.

Chúng ta đang nói quá nhiều về công nghệ, sự thay đổi, về cách thức internet, máy tính, smartphone phủ định những giá trị cũ. Nhưng không phải lúc nào truyền thống cũng là lạc hậu, cổ hủ. Ngược lại, những gì tinh túy và mang tính cốt lõi thường lại chỉ nảy mầm từ những điều cũ, nếu ta đủ tĩnh tại để nhìn thấy nó.