Phương trình hóc búa

Không phải ngẫu nhiên mà đến tận lúc này, sau cuộc họp trực tuyến kéo dài hai ngày (13 và 14-7), Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về lộ trình cắt giảm khí phát thải trong 10  năm tới. 

Nếu Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Áo và Luých-xăm-bua (Luxemburg) bày tỏ sự sẵn sàng ủng hộ mục tiêu cắt giảm khí thải đến tận mức ít nhất là 55% vào năm 2030, thì Ba Lan, Xlô-va-ki-a (Slovakia), Bun-ga-ri (Bulgaria), Ru-ma-ni (Romania), Séc (Czech) và Hung-ga-ri (Hungary) lại tỏ ra khá dè dặt. Các quốc gia Trung - Đông Âu ấy thể hiện rằng họ không thể hỗ trợ một mục tiêu mới, trước khi xem xét đánh giá của Ủy ban châu Âu (European Commisson, EC) về các tác động có thể diễn ra trong thực tế. 

Hai ngày họp khép lại, và giữa 27 quốc gia thành viên EU vẫn là chia rẽ. Một bầu không khí hoàn toàn khác biệt so với sự đồng thuận gần như tuyệt đối đã từng làm nên Thỏa thuận chung Pa-ri (Paris) - nơi tiến trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu chính thức được xem là nhiệm vụ mang tính sống còn của cả loài người, năm 2015. 

5 năm sau, quả đã có quá nhiều biến động…

Tại sao lại là 55%, khi mà lượng cắt giảm khí thải gần nhất được EU đề ra chỉ là 40%, cho đến năm 2030? Bởi vì thật sự, căn cứ vào đánh giá của giới khoa học, mục tiêu này cần được nâng lên, khi tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra mỗi lúc một nhanh và khốc liệt hơn. 

Cuối tháng 6-2020, đến cả nền nhiệt tại Bắc Cực cũng đã ghi nhận những mốc tăng mới mang tính kỷ lục. Trong ánh nắng nóng mùa hè đích thực nhưng lại vô cùng xa lạ ở Xi-bê-ri (Siberia) giá tuyết, những viễn cảnh u ám trỗi dậy. Bắc Cực tăng nhiệt độ nhanh gấp đôi phần còn lại của thế giới, nghĩa là bởi băng tan,  “phần còn lại” đó sẽ hấp thụ nhiều nhiệt lượng từ mặt trời hơn nữa. Mà biển băng Bắc Cực, cho đến hiện tại, đã bị suy giảm tới hơn 70% diện tích.  

Bởi vậy, ngày 9-7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tơ-rét (Antonio Guterres) kêu gọi các nước ngừng tài trợ cho các dự án than đá, cũng như cam kết không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, để chuyển sang năng lượng sạch.

Song, cũng trong lần “đăng đàn” đó, ông hé lộ: Dù EU đã cam kết các chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 thân thiện với môi trường, nhưng một số quốc gia vẫn sử dụng chương trình này để hỗ trợ các công ty nhiên liệu hóa thạch, trong khi một số nước khác khởi động các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá - những yếu tố phát thải ghê gớm. 

Dù vậy, những động thái đó và cả những sự dè dặt trong cuộc họp trực tuyến của EU cũng không có gì khó hiểu. 

Cắt giảm khí thải gần như chắc chắn đồng nghĩa với việc hạ sản lượng các ngành công nghiệp, và chắc chắn sẽ kéo tụt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Không nhiều quốc gia sẵn sàng đánh đổi lợi ích của mình như thế. Trước và sau Thỏa thuận chung Pa-ri, nước Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới - chẳng hạn, đều đã tỏ ra vô cùng lạnh nhạt với các cam kết.  

Còn hiện tại, quá nhiều quốc gia đã và đang bị tổn thương nặng nề bởi công cuộc chống lại đại dịch Covid-19. Nếu tiếp tục tự hạn chế tăng trưởng, hay nói đúng hơn là nếu không gấp rút đẩy mạnh sản xuất để lấy lại thời gian đã mất, họ hoàn toàn có thể phải chứng kiến nền kinh tế của mình sụp đổ. 

Vấn đề là, hồi tháng 4, theo một nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Nature Communications, việc các quốc gia không thực hiện mạnh mẽ các cam kết trong Thỏa thuận chung Pa-ri cũng có thể gây thiệt hại tới 600.000 tỷ (sáu trăm nghìn tỷ) USD cho kinh tế toàn cầu, trong thế kỷ này. Ngược lại, cũng theo nghiên cứu đó, vào năm 2100, nếu giữ được mức tăng nền nhiệt dưới 2 độ C bằng những hành động cần thiết, thế giới sẽ có thể thu nhập thêm từ 336.000 tỷ đến 422.000 tỷ USD. 

Nhưng những phân tích ấy chẳng có ý nghĩa gì, khi không chỉ một số thành viên EU, còn quá nhiều quốc gia đang phải vật vã lựa chọn giữa ngắn hạn và dài hạn, giữa lợi ích chung và riêng…