Phía sau một “vách đá”

Nhà trắng và Hạ viện Mỹ lại đã sẵn sàng đối diện với nhau trong cuộc đọ sức, dưới chân một “vách đá tài chính”. Lần này, lý do trên bề mặt mà họ đang thể hiện là những bất đồng về dự luật chi tiêu quốc phòng mới.

Ngày 9-7, Nhà trắng hé lộ khả năng phủ quyết dự luật chi tiêu quốc phòng đang được Hạ viện Mỹ xem xét thông qua, với lý do dự luật này đáp ứng quá ít so với yêu cầu của đương kim Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) cho lĩnh vực quân sự, đồng thời cũng còn tồn tại khá nhiều bất đồng về một số điều khoản, chính sách.

Hạ viện Mỹ, dưới sự kiểm soát của các chính trị gia đảng Dân chủ, dự định sẽ tiến hành bỏ phiếu phiên bản cụ thể hóa dự luật trên - Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (DNAA), với mức chi tiêu dự trù 733 tỷ USD. Vấn đề là, tháng trước, Thượng viện Mỹ (mà đảng Cộng hòa khống chế) đã thông qua DNAA, nhưng là với mức 750 tỷ USD mà ông chủ Nhà trắng đề xuất.

Từ góc độ này, tính chất “minh tranh ám đấu” của cuộc xung đột chính trường chung quanh vấn đề tài chính dường như đã hiện lên rõ nét hơn.

Phiên bản DNAA mà Thượng viện Mỹ chấp thuận bao gồm cả 3,6 tỷ USD bổ sung cho ngân sách xây dựng bức tường ngăn biên giới phía nam nước Mỹ giáp Mê-hi-cô (Mexico), nhằm chặn bước những đoàn người nhập cư bất hợp pháp. Đây, không gì khác, chính là vấn đề gây tranh cãi rất nhiều trên thượng tầng kiến trúc nước Mỹ, kể từ khi Tổng thống Đ.Trăm đắc cử.

DNAA phiên bản Thượng viện cũng mở đường để Bộ Quốc phòng Mỹ bổ sung hàng loạt khí tài quân sự tối tân cho quân đội, thí dụ như 94 máy bay chiến đấu F-35; cho phép Lầu năm góc tiến tới chính thức thành lập Lực lượng vũ trụ - đề xuất mà ông chủ Nhà trắng hiện tại tỏ ra khá hứng thú; đồng thời thiết lập các rào cản ngăn chặn việc giảm số binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc xuống dưới mức 28.500 người.

Và bản DNAA được Thượng viện Mỹ thông qua ấy cũng bao gồm cả những điều khoản bị Trung Quốc lập tức phản đối mạnh mẽ, bởi “bao hàm nội dung tiêu cực”, thí dụ như cấm các quỹ liên bang Mỹ hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Nhìn tổng thể, khi thông qua phiên bản DNAA ấy, Thượng viện Mỹ cũng như đảng Cộng hòa đã tạo điều kiện hết cỡ, để đương kim Tổng thống Mỹ có đầy đủ các công cụ nhằm tiếp tục những quỹ đạo ngoại giao - nội trị đang được tiến hành.

Và như một lẽ tất yếu, bởi vì năm sau - 2020 - đã lại là một cuộc đua mới vào Nhà trắng, phe đối lập trên chính trường Mỹ bao giờ cũng sẽ sử dụng mọi công cụ cần thiết để ngáng trở các nỗ lực của phe đang nắm quyền. “Vách đá tài chính” - hay nói cách khác: sự bất đồng về cách thức phân bổ ngân sách - đã, đang và sẽ luôn là một thứ “vũ khí” lợi hại, trong những cuộc đấu như vậy. Trước khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai của mình, cựu Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama) cũng đã từng liên tục phải đối chọi những ngón đòn tương tự từ phía đảng Cộng hòa.

Song, Đ.Trăm là một vị tổng thống rất đặc biệt, và khác với người tiền nhiệm, ông cũng sẵn sàng đáp trả phe đối lập bằng những công cụ “gây sốc” nhất. Việc sử dụng quyền phủ quyết tối cao của tổng thống đối với phiên bản DNAA Hạ viện (nhằm bảo vệ phiên bản Thượng viện) là điều ông dám (và đủ khả năng) thực hiện.

Đó là phương án dự trù cho trường hợp DNAA phiên bản Hạ viện chắc chắn được thông qua, để rồi hai viện sẽ phải thương nghị nhằm tìm kiếm một phiên bản thứ ba có thể làm hài lòng cả hai bên. Cuối cùng, chính Tổng thống Mỹ sẽ là người phê chuẩn hoặc phủ quyết.

Với điểm này, có vẻ như phe các nghị sĩ Dân chủ đang cố gắng một cách vô vọng.