Phép thử cho “bạn cũ”

“Oa-sinh-tơn (Washington) hy vọng tất cả các nước sẽ ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ I-ran (Iran), kể từ ngày 4-11 tới” - tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26-6. Và còn hơn thế, những lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt rất có thể sẽ áp dụng với các quốc gia từ chối thực hiện điều này.

Đó là cách mà Nhà trắng lựa chọn, để đối phó với những gì đang diễn ra, kể từ khi đương kim Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) tuyên bố đưa nước Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức) với I-ran (gọi tắt là JCPOA).

Không ai tán thành quyết định ấy. Những luồng dư luận phản đối dấy lên khắp nơi. Và đến cả những đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu cũng bày tỏ rõ rệt một thái độ: Họ sẽ cố gắng bảo toàn JCPOA, và thực hiện các cam kết. Cho dù, để làm vừa lòng cường quốc số 1 thế giới, cả Tổng thống Pháp E.Ma-crông (Emmanuel Macron) lẫn Thủ tướng Đức A.Méc-ken (Angela Merkel) đều đồng ý rằng JCPOA chưa phải là một thỏa thuận hoàn hảo.

Và mới nhất, ngày 25-6, Tổ chức Năng lượng nguyên tử I-ran (AEOI) hối thúc: Châu Âu nên quyết định duy trì thỏa thuận (đã từng được đánh giá là một thỏa thuận lịch sử) ấy vào cuối tháng 6 này.

MỸ lập tức đưa ra câu trả lời: Họ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép, bất chấp mọi phản ứng. Cũng trong ngày 26-6, Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni (Hassan Rouhani) khẳng định: I-ran sẽ không nhượng bộ, sẽ bằng mọi giá bảo vệ sự độc lập cũng như các giá trị của mình. Một phản ứng mà bất cứ nhà quan sát quốc tế nào cũng có thể thấy trước.

Song, thực ra, lời đe dọa của Bộ Ngoại giao Mỹ đâu phải hướng đến I-ran?

Dù thế nào, với quyết tâm ít nhất là xác lập lại một thỏa thuận mới với nhiều điều kiện có lợi cho mình hơn, Nhà trắng cũng đã, đang và sẽ còn tiếp tục cố gắng dồn ép I-ran mạnh nhất có thể, để chiếm ưu thế trong những cuộc thương lượng tương lai. Do đó, họ không cần quan tâm quá nhiều đến phản ứng của quốc gia ấy (cũng như các đồng minh của quốc gia ấy).

Tuy vậy, riêng trong câu chuyện này, việc không thể thuyết phục được các “bạn bè cũ” ở châu Âu hoàn toàn đồng thuận là một lỗ hổng, trong chiến lược đối ngoại của Mỹ. Và nhìn ở một tầm cao hơn, cục diện bản đồ địa chính trị mà Mỹ hướng tới (với vị thế lãnh đạo không phải bàn cãi) đã xuất hiện những vết đứt gãy.

Mà như những kịch bản xấu nhất luôn cần phải được đặt ra, “hiệu ứng domino” có thể xảy đến bất cứ lúc nào, sau những xói mòn về vị thế và tầm ảnh hưởng.

Sự cứng rắn không khoan nhượng này, những lời đe dọa này, thái độ bất chấp này của Mỹ, bởi vậy, cũng chính là một phép thử. Phép thử dành cho những mối dây liên hệ đã từng vô cùng khăng khít trong quá khứ, nay đang trở nên lỏng lẻo bởi những kết cấu quyền lợi chồng chéo.

Và, ở một khía cạnh nào đó, đấy cũng là một lời đề nghị âm thầm nhưng kiên quyết, lạnh lùng nhưng đầy sức nặng dành cho các đồng minh, khi đẩy tất cả mọi chuyện (từ các hiệp định thương mại tự do xuyên đại dương, qua vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, đến các điểm nóng địa chính trị như thế này) tới sát “lằn ranh đỏ”: Hãy lựa chọn một “chiến tuyến” rõ ràng: Đứng bên cạnh nước Mỹ, hay chống lại nước Mỹ!

Đó có thể là một lựa chọn khá dễ dàng trong quá khứ, đặc biệt là quá khứ gần. Nhưng hiện tại, thế giới đã phẳng đi quá nhiều rồi, và một kết cấu đơn cực dường như cũng trở nên lỗi thời rồi…