Ðộng thái mới trên lộ trình cũ

Trong cương lĩnh tranh cử, và thậm chí đến cả khi đã chính thức tiếp nhiệm, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn và những người đứng sau lưng ông luôn luôn chỉ trích các chiến lược ngoại giao của người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Ðô-nan Trăm (Donald Trump).

Tuy nhiên, không phải tiến trình nào mà cựu chủ nhân Nhà trắng khởi xướng cũng có thể đảo ngược, đơn giản bởi nó phù hợp cả lợi ích của cộng đồng quốc tế, cũng như lợi ích riêng của nước Mỹ.

Chúng ta đang nói đến câu chuyện triệt thoái các đơn vị lính Mỹ đồn trú tại Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan). Ngày 7-3, Oa-sinh-tơn (Washington) khẳng định: Họ vẫn để ngỏ các phương án liên quan toàn bộ 2.500 binh sĩ Mỹ vẫn còn đồn trú tại đó, và vẫn chưa có bất cứ quyết định nào mới về các cam kết quân sự sau ngày 1-5-2021.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ A.Blin-ken (Anthony Blinken) tuyên bố: Mỹ đang cân nhắc triệt thoái toàn bộ những sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan vào ngày 1-5, song song với việc kêu gọi giảm bạo lực trong vòng 90 ngày, như mong muốn của Liên hợp quốc (LHQ), đồng thời đẩy mạnh xúc tiến các biện pháp ngoại giao khác.

Các biện pháp ngoại giao đó đã được chính ông Blinken hé lộ: Mỹ sẽ đề nghị LHQ triệu tập một cuộc họp cấp cao, bao gồm cả sự hiện diện của Nga, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Pa-ki-xtan (Pakistan) và I-ran (Iran), cùng với Áp-ga-ni-xtan. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đề nghị gặp gỡ với Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian sớm nhất, để thảo luận về một lộ trình hòa bình.

Chuỗi diễn biến này có nghĩa là gì? Nghĩa là lịch trình triệt thoái binh sĩ Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan đã được bắt đầu tiến hành trong năm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Ðô-nan Trăm vẫn được giữ nguyên. Ðiều này thậm chí còn được củng cố bằng những công cụ ngoại giao hỗ trợ, nhằm trấn an lo ngại khi lính Mỹ rút đi, lực lượng Ta-li-ban (Taliban) sẽ lợi dụng tình hình để dồn ép Chính phủ Ca-bun (Kabul) bằng mọi giá.

Nghĩa là, nó có gì đó không thật sự tương đồng với tuyên bố Mỹ "sẽ tích cực can dự hơn đến các điểm nóng quốc tế" mà đương kim Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đưa ra tuần trước. Và có thể có nghĩa là, nước Mỹ đã mỏi mệt với câu chuyện này, cho dù là dưới nhiệm kỳ của ai.

Song, cũng cần phải khẳng định rằng đây là động thái tích cực mới từ phía Oa-sinh-tơn. Những trung tâm quyền lực quốc tế cũng như những quốc gia có liên quan trong khu vực đều được đề nghị thảo luận, nhằm tìm ra một giải pháp khả dĩ có thể làm vừa lòng tất cả các bên, khiến họ đồng ý được với nhau, hỗ trợ nhau và kiềm chế lẫn nhau, nhằm hướng tới một lộ trình hòa bình lâu dài cho Áp-ga-ni-xtan.

Ðó là điều suốt từ năm 2001, sau dấu mốc kinh hoàng ngày 11-9 và sự kiện quân đội Mỹ tiến vào Ca-bun sau đó, chưa từng hiện hữu trên mảnh đất này, bất chấp Lầu Năm góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền tài vật lực qua các đời tổng thống.

Ðó cũng là một cách bắt buộc phải thực hiện, để Nhà trắng cân bằng một phương trình nhạy cảm trong lĩnh vực đối nội. Nước Mỹ cần tiền nhằm tự cứu chính mình. Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD phục vụ cuộc chiến chống lại các hệ lụy ghê gớm của đại dịch Covid-19 đã được Thượng viện thông qua, nhưng lấy 1.900 tỷ đó từ đâu thì vẫn còn là một câu hỏi lớn. Trong bối cảnh đó, bối cảnh mà không ít công dân Mỹ đang cảm thấy mệt mỏi bởi thuế tăng, chuyện phóng tay chi tiêu cho những vấn đề "nhà người ta" là chưa ổn.

Không phải ngẫu nhiên, bên cạnh Áp-ga-ni-xtan, Mỹ cũng xúc tiến để đạt được một thỏa thuận sơ bộ về chia sẻ chi phí quốc phòng với Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên (ngày 8-3). Và cùng lúc đó, Nhà trắng vẫn phải tính toán đến việc duy trì lực lượng Vệ binh quốc gia bảo vệ Ðồi Ca-pi-tôn (Capitol Hill, nơi đặt Tòa nhà Quốc hội Mỹ).

Cuối cùng, tân Thổng thống Mỹ G.Bai-đơn, ở câu chuyện này, cũng đang bắt buộc phải tiếp nối con đường dở dang từ người tiền nhiệm.

VÕ HOÀNG