Ở đó, và ở đây

Cộng đồng các quốc gia A-rập (Arab) dường như đang lâm vào tình thế tương đối “khó xử”, với động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump). Gần đây, họ từng sục sôi giận dữ với một quyết định của ông chủ Nhà trắng, thì bây giờ, một quyết định khác lại đang được chào đón với tất cả thịnh tình.

Bởi vì, đương kim Tổng thống Mỹ lại vừa sử dụng quyền phủ quyết của mình (ngày 16-4), để bác bỏ một nghị quyết của Quốc hội Mỹ, về việc Mỹ chấm dứt can thiệp quân sự vào tình hình Y-ê-men (Yemen) thông qua những hỗ trợ dành cho liên quân A-rập do A-rập Xê-út (Saudi Arabia) dẫn đầu.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng: “Nghị quyết này là một nỗ lực không cần thiết và nguy hiểm nhằm làm suy yếu các thẩm quyền Hiến pháp của tôi, gây nguy hiểm tới sinh mạng của các công dân Mỹ cũng như những thành viên công vụ dũng cảm cả hiện nay và trong tương lai”.

Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (U.A.E) A.Gác-ga-sơ (Anwar Gargash) đánh giá đó là một quyết định “vừa chuẩn xác về thời điểm, vừa chính xác về chiến lược”. Trên trang mạng cá nhân Twitter của mình, ông nhấn mạnh: “Sự ủng hộ mạnh mẽ và quyết đoán của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm dành cho Liên quân A-rập tại Y-ê-men là một dấu hiệu tích cực”.

Trong khi đó, chưa ai quên, Liên đoàn A-rập (AL) đã và đang phản ứng dữ dội như thế nào, về chuyện Mỹ công nhận Giê-ru-xa-lem (Jerusalem) là thủ đô mới của I-xra-en (Israel), hay chuẩn bị tiến hành công nhận chủ quyền lãnh thổ của I-xra-en với cao nguyên Gô-lan (Golan).

Một lần nữa, tính chất phức tạp về các mối quan hệ cũng như chồng chéo về lợi ích trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông lại được khắc họa sâu đậm. Và không thể phủ nhận, cho đến đoạn diễn biến này, từ bên kia Đại Tây Dương, nước Mỹ vẫn đang từng bước đạt được tất cả các toan tính của mình.

Từ các phác thảo về cao nguyên Gô-lan tới vấn đề hỗ trợ quân sự cho Liên quân A-rập ở Y-ê-men, Oa-sinh-tơn (Washington) đi một nước cờ rất đáng chú ý: Tuyên bố xem lực lượng Vệ binh quốc gia của I-ran (Iran) là tổ chức khủng bố. Qua đó, họ gia tăng sức ép với I-ran – nước đang sẵn sàng cạnh tranh với A-rập Xê-út để trở thành cường quốc hàng đầu khu vực, đồng thời cũng là thế lực chính trị dính líu nhiều đến tình hình Y-ê-men. Và qua đó, họ vạch rõ một lằn ranh để khối các quốc gia A-rập Hồi giáo có hiềm khích với I-ran “nhìn cho rõ” để lựa chọn: Đâu là bạn, đâu là thù?

Cũng qua đó, sự căng thẳng truyền thống trong mối quan hệ giữa Ten A-víp (Tel Aviv) với những người láng giềng thù địch tạm thời lắng xuống, khi đã có một đối tượng thù địch khác để chuyển hướng.

Và bây giờ, Tổng thống Mỹ (cũng như các vận động liên quan trên chính trường Mỹ) kín đáo nhấn mạnh khả năng Liên quân A-rập sẽ bị bỏ rơi. AL, trước động thái này, liệu có nhất quyết không chịu “biết điều” hơn, về I-xra-en, Giê-ru-xa-lem hay cao nguyên Gô-lan?

Ở một góc nhìn khác, những diễn biến này thể hiện cuộc đấu tranh quyền lực giữa Tổng thống Đ.Trăm với các phe phái đối lập trên thượng tầng chính trị nước Mỹ. Chặng cuối nhiệm kỳ của ông đã được dự báo là sẽ rất khó khăn, và những lần Quốc hội Mỹ (đặc biệt là Hạ viện, do phe đảng Dân chủ kiểm soát) dựng rào cản trước những quyết định của ông sẽ còn tiếp diễn.

Vấn đề là ở đó, đồi Ca-pi-tôn (Capitol Hill - nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ) hay Nhà trắng, người ta quyết định việc có thổi bùng lên dữ dội hơn nữa một ngọn lửa chiến tranh tại một quốc gia khác hay không. Mà tại “quốc gia khác” đó, đã có ước tính sơ bộ 10.000 người bị thiệt mạng, khoảng 14 triệu người đứng trước nguy cơ bị đói bởi chiến sự. Hay nói một cách ngắn gọn, ở đây - Y-ê-men, thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất của mình, trong bất lực.

Điều đó có ý nghĩa gì không?