Nơi khổ đau lên tiếng

Những cuộc giao tranh đã kéo dài đến tận năm thứ sáu, để Y-ê-men (Yemen) trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới vào thời điểm hiện tại. Chính vì thế, dù đi kèm với bất cứ dụng ý nào, gợi ý mới nhất về một lộ trình hòa bình mà A-rập Xê-út (Saudi Arabia) đề xuất vẫn là điều vô cùng đáng chờ đợi, đối với dư luận quốc tế.

Hai mươi triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo. Năm triệu người đứng mấp mé bên bờ vực của nạn đói. Một triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, khi buộc phải rời khỏi nơi cư trú để chạy trốn những cuộc giao tranh. Trong số đó, là bao nhiêu người già, phụ nữ và đặc biệt là trẻ em. Y-ê-men đã thật sự trở thành một đất nước bị chiến tranh hủy hoại đến tận cùng.

Cuối tuần trước, ngày 18-3, một lần nữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) lên án sự leo thang của chiến tranh ở Y-ê-men, và kêu gọi các bên bằng mọi giá không cản trở các hoạt động cứu trợ nhân đạo, tại một cuộc họp trực tuyến. Ai đúng, ai sai giữa chính quyền với lực lượng nổi dậy Hu-thi (Houthi) không còn là điều quan trọng hàng đầu nữa. Tất cả đều cần phải xếp dưới những lời cầu cứu khẩn thiết của hàng triệu phận người.

Vấn đề là, những bàn tay giúp đỡ có thể chìa ra theo cách nào, khi suốt sáu năm qua, mọi cố gắng từ cộng đồng quốc tế đều gặp rất nhiều trắc trở, với sự quyết liệt đến tàn nhẫn được thể hiện từ cả hai phía chiến tuyến?

Bối cảnh ấy khiến đề xuất mới nhất từ A-rập Xê-út trở nên rất đáng chú ý, nhất là khi việc Hu-thi tiến công một cơ sở lọc dầu trên lãnh thổ của chính họ đang phải nhận những lời chỉ trích từ mọi phía. Như Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: "Tất cả các bên (trong cuộc xung đột Y-ê-men) nên từ bỏ lập tức và hoàn toàn các hoạt động quân sự dẫn đến việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự và gây thương vong cho dân thường".

Tuy nhiên, A-rập Xê-út (đứng về phía chính phủ trung ương Y-ê-men) vẫn gợi ý (ngày 22-3): Mở cửa sân bay Xa-na (Sanaa); cho phép Y-ê-men nhập khẩu lương thực và nhiên liệu qua cảng Hô-đê-i-đa (Hodeidah); tái khởi động các cuộc hòa đàm chính trị; và cần ban hành một lệnh ngừng bắn toàn quốc do LHQ giám sát. Ðiều đáng quan tâm nhất là Bộ trưởng Ngoại giao A-rập Xê-út Ph.An Xa-út (Faisal bin Farhan al Saud) nhấn mạnh: "Sáng kiến trên sẽ có hiệu lực ngay khi phía Hu-thi đồng ý".

Một cách ngắn gọn, có lẽ A-rập Xê-út đang làm mọi cách để giúp Chính phủ Y-ê-men mà họ hậu thuẫn - thông qua việc dẫn đầu một liên minh can thiệp quân sự, giúp đỡ Tổng thống Y-ê-men Ha-đi (Hadi) khôi phục quyền lực năm 2015 và củng cố sức mạnh cho đến hiện tại - "nắm được chính nghĩa, thu phục nhân tâm", kể cả khi phải chấp nhận thỏa hiệp hơi quá mức. Thông qua đó, A-rập Xê-út cũng có cơ hội khuếch trương vị thế như một cường quốc hàng đầu khu vực có trách nhiệm, trong tương quan so sánh với I-ran.

Tuy nhiên, kể cả như vậy đi nữa, đề xuất này từ phía A-rập Xê-út vẫn là điều vô cùng đáng giá, nếu trở thành hiện thực. Sáu năm chiến sự không dứt đã là quá khủng khiếp. Ðã quá nhiều sinh mạng bị cướp đi, quá nhiều thân phận bị đày đọa, quá nhiều giấc mơ phụt tắt. Hiện tại, hai mươi triệu người Y-ê-men chỉ còn mong được sống, và họ vẫn đang cố gắng sống lay lắt, trong khổ đau bất tận, trong thiếu thốn đủ mọi nhu cầu cơ bản nhất, trong sự phó mặc vận mệnh cho số phận, khi không thể mơ đến bất cứ một công cụ bảo vệ nào trước những hiểm họa - như bom đạn hay như đại dịch Covid-19 toàn cầu.

Mọi tham vọng chính trị hay tranh chấp quyền lực đều vô nghĩa, khi đặt cạnh thảm cảnh này.

Võ Hoàng