Niềm tin rạn vỡ

Đúng vào thời điểm Hội nghị an ninh toàn cầu Mu-ních lần thứ 55 năm 2019 (MSC 2019) bế mạc, một chút căng thẳng xuất hiện ngoài eo biển Gi-bran-ta (Gibraltar). Ở một khía cạnh nào đó, sự vụ nho nhỏ này là tiếng đồng vọng minh chứng cho bầu không khí chung khá u ám trong phòng họp, với những rạn nứt mỗi lúc một hằn lên rõ rệt.

Cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Tây Ban Nha và Anh tại Gi-bran-ta là một câu chuyện không có gì mới, và rồi có thể việc tàu hải quân hai bên hành xử cứng rắn với nhau sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng. Song, khoảng cách về quan điểm giữa những người bạn cũ - Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ - thì vẫn cứ mênh mông như chính Đại Tây Dương.

Không ai còn có thể nghi ngờ về điều này, khi chứng kiến đại diện các bên thể hiện những tư tưởng trái ngược nhau qua các bài phát biểu. Nếu Thủ tướng Đức A.Méc-ken (Angela Merkel) đánh giá rằng cấu trúc hiện tại của trật tự thế giới sẽ khó có thể duy trì lâu dài, và kêu gọi tinh thần hợp tác quốc tế theo khuynh hướng đa phương, thì Phó Tổng thống Mỹ M.Pen-xơ (Mike Pence) một lần nữa bảo vệ chính sách “Nước Mỹ trên hết” hiện hành của Nhà trắng.

Mỹ thậm chí còn không ngần ngại gia tăng sức ép với châu Âu, khi đề cập đến vấn đề tăng chi phí quốc phòng của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đòi EU phải rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với I-ran (Iran), cũng như ngừng dự án dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” với Nga, đồng thời để ngỏ khả năng tăng thuế đối với các sản phẩm ô-tô của EU (đặc biệt là Đức) - điều có thể được xem là “phát súng mở màn” cho một cuộc “chiến tranh thương mại” mới.

MSC 2019 không chỉ chứng kiến sự lạnh nhạt Mỹ - EU. Ở đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc tiếp tục thể hiện những bất đồng sâu sắc, thậm chí là không khoan nhượng (với việc Mỹ kêu gọi tẩy chay tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc).

Ở đó, trong lĩnh vực quân sự, Mỹ và Nga tiếp tục trút trách nhiệm cho nhau về sự đổ vỡ của Hiệp ước kiểm soát các tên lửa tầm ngắn và trung (INF). Trong khi đó, nếu Đức (đại diện cho EU), đưa ra một giải pháp mới thay thế INF theo cơ chế đa phương, thì Trung Quốc lại phản đối ý tưởng đó (với lý do là Bắc Kinh “không đặt ra mối đe dọa với ai”). Còn về phần mình, Mát-xcơ-va (Moskva) nhận xét: MSC thoạt đầu là một ý tưởng tốt, nhưng đã bị phương Tây biến thành công cụ tuyên truyền các thông tin tiêu cực về nước Nga.

Và Trung Đông, điểm nóng muôn thuở. MSC 2019 lặp lại tất cả những quan điểm quen thuộc của mọi phía suốt thời gian qua, từ những cuộc đấu khẩu Mỹ - I-ran đến tâm trạng lo ngại chung quanh các động thái cứng rắn của Mỹ và I-xra-en (Israel).

MSC 2019 đúng nghĩa là một diễn đàn, nơi mọi thành viên tham gia nói lên hết các suy nghĩ của mình. Các thông điệp được đưa ra tới tấp, nhưng có ai lắng nghe ai không thì lại là chuyện khác. Điều đó khiến mục tiêu đề xuất các giải pháp nhằm xử lý các xung đột dựa trên đối thoại và hợp tác trở nên xa vời.

Ở một góc nhìn rộng hơn, không có gì quá lời khi nhận định MSC 2019 là minh chứng cho sự chia rẽ trong lòng thế giới hiện tại, khi lòng tin chiến lược sụt giảm giữa lúc trật tự toàn cầu đang tái định hình dữ dội.

Không ai dễ dàng từ bỏ lợi ích của mình. Nhưng lúc này, tìm kiếm những điểm thỏa hiệp còn khó khăn gấp bội. Một eo biển Gi-bran-ta bé nhỏ còn dậy sóng, nói gì đến các đại dương?