Nhượng bộ không phải lúc nào cũng dễ dàng

Nước Mỹ đã đạt được một phần mục đích của mình, khi đưa các vấn đề liên quan thỏa thuận hạt nhân lịch sử (Kế hoạch hành động chung toàn diện - viết tắt là JCPOA) giữa nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký với I-ran (Iran) năm 2015 vào thế bế tắc. Kế tiếp, họ sẽ đòi hỏi thêm những gì? Câu trả lời có thể hình dung: I-ran phải hoàn toàn cúi đầu.

Oa-Sinh-Tơn (Washington) cũng không giấu giếm ý định gia tăng sức ép, nhằm giành được thêm càng nhiều lợi thế càng tốt.

Ý định ấy được cụ thể hóa bằng tuyên bố của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ P. Sa-na-han (Patrick Shanahan), về việc một số tàu sân bay cũng như máy bay giội bom của Mỹ được điều động đến gần khu vực Trung Đông, rằng: Đây chỉ là sự bố trí nhằm phòng ngừa những dấu hiệu đe dọa từ phía I-ran, và I-ran sẽ phải chịu trách nhiệm về bất cứ cuộc tiến công nào nhằm vào các lực lượng Mỹ hoặc lợi ích của Mỹ. Đồng thời, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pôm-pê-ô (M.Pompeo) cũng lên tiếng cáo buộc I-ran “gia tăng căng thẳng”.

Nghĩa là, chỉ cần I-ran phản ứng vượt quá giới hạn một chút, xung đột vũ trang hoàn toàn có thể xảy ra. Và nghĩa là, Mỹ thách thức khả năng phong tỏa eo biển Hoóc-mút (Hormuz) - một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất toàn cầu - bằng vũ lực của I-ran.

Và trong lúc đó, Mỹ vẫn đang phớt lờ mọi phản ứng trái chiều, từ cả các đồng minh phương Tây lẫn cộng đồng quốc tế.

Ngày 4-5, Liên hiệp châu Âu (EU) cùng Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung, nhấn mạnh rằng họ “rất lấy làm tiếc và quan ngại về quyết định của Mỹ không gia hạn quyền miễn trừ đối với hoạt động trao đổi dầu mỏ với Iran”, cũng như lo ngại trước quyết định không gia hạn đầy đủ quyền miễn trừ của Mỹ đối với các dự án không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuyên bố cũng khẳng định rằng, các bên còn lại tham gia JCPOA sẽ nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân I-ran, bảo đảm các kênh trao đổi thương mại, tài chính với I-ran cùng bên thứ ba quan tâm duy trì thỏa thuận này.

Hai ngày sau, I-ran nhấn mạnh sẽ không quay trở lại đàm phán với Mỹ dưới áp lực của các lệnh trừng phạt. Tuy vậy, họ vẫn cố gắng để ngỏ một lựa chọn: Nếu Mỹ trở lại với thỏa thuận hạt nhân, thì vẫn còn cơ hội để hai phía đối thoại. Một lựa chọn mà chắc chắn nước Mỹ sẽ không để vào mắt.

Những guồng quay vận động nhanh dần lên, khi cái mốc ngày 10-5 - thời điểm quyền miễn trừ khỏi trừng phạt với tám nước và vùng lãnh thổ mua dầu của I-ran, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ta-li-a, Hy Lạp và Đài Loan (Trung Quốc) chính thức hết hiệu lực. Song, chưa một “người chơi” nào thật sự bộc lộ ý định “hạ nhiệt”.

Tình trạng này là hệ quả tất yếu của chiến lược đối ngoại “bên miệng hố chiến tranh” mà nước Mỹ đang áp dụng. Oa-sinh-tơn, dưới thời đương kim Tổng thống Đ.Trăm (Donald Trump), gây sức ép ở mọi nơi, trước cả địch thủ lẫn đồng minh, đối tác. Thậm chí, ông chủ Nhà trắng không ngần ngại đẩy những sức ép đó đến các giới hạn cuối cùng. Điều đó tạo nên một cảm giác chung là càng nhượng bộ, thì sẽ lại càng phải nhượng bộ.

Mới đây thôi, khi bất ngờ thông báo sẽ lại áp dụng mức thuế suất 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm cũng đang khơi dậy những nỗi ám ảnh về cuộc “chiến tranh thương mại” có thể làm tổn hại đến tất cả các nền kinh tế, đúng vào thời điểm thế giới chờ đợi một “hiệp định đình chiến”.

Với những cách ứng xử “không để cho người khác đường lùi” như vậy, có muốn, I-ran hay Trung Quốc cũng rất khó để xác định rằng mình có thể “lùi” đến đâu, hay “lùi” như thế nào.

Và khi bị “rung thang” quá mạnh, bất cứ ai cũng có thể lựa chọn “leo luôn lên mái nhà”…