Những vệt chớp cuối chân trời

Châu Âu vẫn còn đang quay cuồng trong đại dịch toàn cầu Covid-19. Song, 87 trang bản báo cáo “Ðánh giá mối đe dọa của tội phạm có tổ chức và nghiêm trọng” mà Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) vừa công bố thậm chí còn gợi nên những nỗi ám ảnh mới, không chỉ cho cựu lục địa mà cho cả nền an ninh trên phạm vi toàn cầu.

Một cách ngắn gọn, theo bản báo cáo ấy, tình trạng suy thoái kinh tế “có thể hình thành các loại tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức trong những năm tới”. Bởi, sự bùng phát của dịch Covid-19 kể từ năm ngoái đã tác động lớn tới cách thức các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động.

Ðầu tiên, các công ty bị suy yếu do đại dịch có thể dễ dàng trở thành con mồi cho các băng nhóm tội phạm muốn hợp pháp hóa hoạt động, hoặc lợi dụng các doanh nghiệp hợp pháp làm bình phong cho các hoạt động bất hợp pháp của mình, chẳng hạn như rửa tiền.

Sau đó, như đánh giá của Giám đốc Europol C.Ðơ Bô-lơ (Catherine De Bolle), ở giai đoạn đầu, “chúng ta chứng kiến làn sóng buôn bán khẩu trang và nước sát khuẩn giả. Giờ đây, chúng ta thấy sự gia tăng trong hoạt động buôn bán vắc-xin giả và các bộ dụng cụ xét nghiệm giả”. Nghĩa là, giới tội phạm đã và đang tìm cách thích nghi, hòng kiếm lợi từ các nhu cầu cũng như những nỗi lo lắng của xã hội.

Cuối cùng, đại dịch Covid-19 cũng làm gia tăng tội phạm không gian mạng, trong bối cảnh ngày càng nhiều người phải sống và làm việc trực tuyến. Lừa đảo và gian lận trực tuyến nguy cơ mỗi lúc một nghiêm trọng, bao gồm cả gian lận đầu tư.  Europol cũng cảnh báo các tội phạm mạng có khả năng triển khai “các vụ tiến công quy mô lớn và tinh vi nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, để truy cập và đánh cắp dữ liệu nhạy cảm”.

Nói cách khác, giới tội phạm đã rất nhanh chóng tận dụng được tình thế, thay đổi phương thức phạm tội, nhằm tìm kiếm những khoản lợi ích bất hợp pháp khổng lồ.

Từ đầu tháng 2-2021, Europol đã buộc phải đưa ra cảnh báo về hiện tượng các băng nhóm tội phạm có tổ chức làm giả và bán giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, với cái giá đôi khi lên tới 300 euro/tờ. Nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thời hiện đại, những tấm giấy chứng nhận giả đó được thực hiện với chất lượng cực kỳ cao, cực kỳ khó phân biệt, và có lẽ cũng cực kỳ khó bị phát giác.

Không cần phải nói đến hậu quả khôn lường của hình thức tội phạm này. Ở những nước hay vùng lãnh thổ kém phát triển hơn châu Âu hoặc dễ bị tổn thương bởi đại dịch, kiểu tội phạm ấy có thể hủy diệt cả một cộng đồng. Và bên cạnh đó, những thứ thiết bị y tế giả cũng hoàn toàn đủ sức xóa sổ toàn bộ những nỗ lực chống dịch trong phạm vi lớn. Còn kể cả trước Covid-19, tội phạm không gian mạng đã là một bóng ma gần như không thể bị tiêu diệt. Có điều, đến lúc này, các nền kinh tế kiệt quệ và những doanh nghiệp lay lắt sẽ còn dễ dàng bị hủy hoại hơn.

Hiển nhiên, các cơ quan công quyền như Europol đã, đang và vẫn sẽ còn phải đau đầu tìm phương án đối phó hữu hiệu khả năng biến chuyển “thiên hình vạn trạng” của các loại tội phạm mới ấy, nhằm bảo vệ các kết cấu xã hội vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Song, thực chất, những nỗ lực đó thường khó “đón lõng”  hết được các ý đồ phạm tội, bởi tính chất “đi sau, đuổi bắt” cố hữu. Còn ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ la-tinh hay châu Phi, nghĩa là những khu vực mà nguồn lực hạn chế hơn nhiều so với châu Âu, chỉ sự mẫn cán và tính hiệu quả của cơ quan chức năng không thể hoàn toàn xem là biện pháp ngăn chặn nguy hại duy nhất.

Cuối cùng, cũng như đối với chính đại dịch, khả năng thích ứng và tự bảo vệ chính mình của mỗi cá nhân có lẽ vẫn là yếu tố quyết định. Song, để giúp mỗi người dân có được sự tỉnh táo ấy, điều bắt buộc đối với các chính quyền vẫn là cung cấp đầy đủ thông tin và các chỉ dẫn, đủ để người dân luôn vững vàng, sáng suốt trong mọi tình huống cuộc sống.