Những thông điệp phía sau căng thẳng Mỹ - I-ran

Rạng sáng 8-1, quân đội I-ran (Iran) phóng hơn 20 quả tên lửa vào một căn cứ quân sự Mỹ cách Thủ đô Bát-đa (Baghdad) của I-rắc (Iraq) khoảng 190 km, đẩy căng thẳng trong xung đột Mỹ - I-ran lên một tầm mức mới ngạt thở. Hãng Fox News của Mỹ lập tức đưa tin rằng Oa-sinh-tơn (Washington) sẽ có biện pháp đáp trả. Và với cả thế giới, cái bóng kinh khủng của một cuộc chiến tranh mới càng trở nên rõ ràng hơn.

Không ai muốn chiến tranh, chắc chắn là như vậy. Tuy nhiên, vì lợi ích cốt lõi của riêng mình (theo cách suy nghĩ của từng quốc gia), những nấc thang căng thẳng vẫn được đẩy lên cao với tốc độ chóng mặt, trong chỉ vài tuần trở lại đây.

Thứ sức ép mà nước Mỹ của đương kim Tổng thống Đ.Trăm (Donald Trump) duy trì suốt mấy năm qua, nhằm ép I-ran tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015 - thường được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - không đạt hiệu quả như mong muốn, khi I-ran vẫn đứng vững. Phải chăng bởi một phần lý do như vậy mà nó bột phát thành cuộc không kích khiến một vị tướng cấp cao của I-ran - Q.Xô-lây-ma-ni (Quassem Soleimani) tử nạn trên đường công du I-rắc (ngày 3-1)!

Vậy, trong bối cảnh ấy, Tê-hê-ran (Tehran) phải làm gì?

Nếu thật sự xung đột giữa Mỹ và I-ran chỉ là mâu thuẫn song phương và không làm tổn hại đến ai khác, có lẽ giới quan sát quốc tế cũng không bày tỏ nhiều lo ngại đến vậy. Song, đây lại là cuộc đối đầu giữa hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Hơn thế, với những mối dây liên hệ chồng chéo và nhằng nhịt giữa các thế lực trên bàn cờ địa chính trị vùng Vịnh - “cái rốn dầu” của thế giới, không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “Chiến tranh Thế giới thứ ba” cũng đã lác đác được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu hay mạng xã hội. Nguy cơ cuộc đọ sức Mỹ - I-ran bị thổi bùng bằng những cơn gió quốc tế hóa để trở thành đám cháy hủy diệt và không thể kiểm soát là hoàn toàn có thật. Bởi vì, mỗi bên đều có những “kẻ thù” khác, và mỗi bên cũng đều có những đồng minh gắn bó trong các hiệp ước phòng thủ quân sự chung khác nữa.

Và vọng lại từ quá khứ là một lời cảnh báo rợn người từ nhà bác học thiên tài A.Anh-xtanh (Albert Einstein): “Tôi không biết Chiến tranh Thế giới lần ba sẽ sử dụng những thứ vũ khí nào. Nhưng tôi biết, Chiến tranh Thế giới thứ tư sẽ bắt đầu với gậy gộc và sỏi đá”.

Chắc chắn, cả Oa-sinh-tơn lẫn Tê-hê-ran đều hiểu rất rõ nguy cơ tự hủy diệt tầm nhân loại đó. Nhưng, cả hai phía, sau khi đẩy căng thẳng lên tới đỉnh điểm, sẽ cực kỳ khó khăn trong việc “hạ nhiệt”, qua đó mở đường “xuống thang” cho cả thế giới.

Không biết là vô tình hay có tính toán, trong đợt nã tên lửa sáng 8-1 không có thêm thiệt hại nào về người bên phía Mỹ. Ngay sau đó, hãng tin IRNA của I-ran cảnh báo Mỹ “không nên đáp trả”, để “tránh phải nhận thêm tổn thất”. Có thể hiểu là I-ran đã hành động vừa đủ khi không thể không hành động, nhưng những hành động đó không để lại hậu quả ngoại giao nào quá lớn. Nó kín đáo cho thấy khả năng phòng vệ của binh sĩ Mỹ, cũng như năng lực tác chiến của quân đội nước cộng hòa Hồi giáo.

Miễn là có người tiếp nhận những thông điệp đó, để đừng đẩy bất cứ điều gì vượt qua giới hạn cuối cùng. Thế giới đã có quá nhiều việc khác phải lo, và đã quá thừa thãi những cuộc chiến điêu tàn rồi…