Nhiều, nhưng có đủ?

Bảy tỷ euro, nghĩa là khoảng tám tỷ USD. Ngày 30-6, Liên hiệp châu Âu (EU) chính thức thông báo: Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết chi số tiền khổng lồ đó, nhằm giúp giải quyết các thách thức nhân đạo đã và đang xảy ra tại Xy-ri (Syria), với những ảnh hưởng của cuộc xung đột đã kéo dài chín năm. Vấn đề là…

Ngày 29-6, theo Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp M.Lâu-cốc (Mark Lowcock), Liên bang Nga đã thông báo cho LHQ về quyết định chấm dứt hợp tác thông qua cơ chế giảm xung đột ở Xy-ri.
 
Trước đó, ngày 17-6, Mỹ chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên 39 cá nhân và thực thể thuộc Chính phủ Xy-ri, bao gồm cả đương kim Tổng thống Xy-ri B.A.Át-xát (Bashar Al Assad), nhằm siết chặt nguồn thu và buộc Đa-mát (Damascus) trở lại các cuộc đàm phán. 

Và đến ngày 30-6, song song với các diễn biến từ EU, Thủ tướng I-xra-en (Israel) B.Nê-ta-ny-a-hu (Benjamin Netanyahu) hé lộ: “Tôi đã nói với Tổng thống Át-xát rằng ông đang mạo hiểm tương lai đất nước và chính quyền của ông. Chúng tôi sẽ không cho phép I-ran (Iran) thiết lập sự hiện diện quân sự của mình tại Xy-ri”. Nói cách khác, Xy-ri nên “tránh xa I-ran ra”. 

Một vài điểm nhấn đó có lẽ cũng đã có thể giúp bất cứ ai hình dung về sự phức tạp trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông mà Xy-ri bất đắc dĩ trở thành điểm nóng quốc tế hóa, trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của các trung tâm quyền lực khu vực cũng như toàn cầu. 

Lý do để nước Nga từ chối hợp tác với LHQ trong vấn đề Xy-ri có thể là chuyện Mát-xcơ-va (Moscow) đã không ít lần chỉ trích “cơ chế giảm xung đột” cũng như các “hệ thống cảnh báo nhân đạo”, rằng trên thực tế những kẻ khủng bố đã lợi dụng danh sách các địa điểm nhân đạo. Song, điều này cũng có thể xuất phát từ những lý do khác, chẳng hạn như một phương thức phản đối cách thế giới phương Tây liên tục gây sức ép với Chính phủ Đa-mát - đồng minh thân cận của nước Nga tại Trung Đông (mà 39 lệnh trừng phạt mới từ nước Mỹ là một thí dụ điển hình).

Ở một khía cạnh khác, cũng có thể xem là I-xra-en - đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Trung Đông - đã thay Oa-sinh-tơn (Washington) một lần nữa “vạch lại lằn ranh” với tam giác Nga - I-ran - Xy-ri. Khi lấp lửng rằng I-xra-en sẽ “thực hiện những hành động cần thiết để ngăn cản I-ran tạo ra một mặt trận khủng bố và quân sự khác nhằm vào I-xra-en tại Xy-ri”, Ten A-víp (Tel Aviv) đang để ngỏ khả năng hành động giống như Thổ Nhĩ Kỳ: thực hiện các cuộc hành quân vượt qua biên giới, vào tác chiến hẳn bên trong lãnh thổ của quốc gia láng giềng có chủ quyền đó. 

Và trong bối cảnh đó, tám tỷ USD mà các nhà tài trợ quốc tế đã thu được từ những cam kết, liệu có dễ dàng được giải ngân và chắc chắn đến được tay những người đang cần được cứu trợ nhất? 

Trong bối cảnh đó, đất nước Xy-ri với gần 10 năm binh lửa, với “cả một thế hệ trẻ em hiện tại đang chỉ biết đến xung đột và chiến tranh” này - như đánh giá của Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU G.Bô-ren (Joseph Borrell), với gần nửa dân số đã phải chạy trốn khỏi đất nước (tính từ năm 2011), với hơn 380.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người đang đối diện nguy cơ chết đói, với hầu như tất cả các cơ sở hạ tầng đều đã bị phá hủy hay hư hại… sẽ còn cần thêm bao nhiêu khoản cứu trợ, bởi lúc nào họ cũng có thể lún sâu thêm nữa vào nghịch cảnh?   

Hay là, điều quan trọng nhất để cứu họ không phải là một núi tiền, mà chỉ là một bản kế hoạch hòa bình khả thi?