Ngừng bắn ngay lập tức!

Ðó không chỉ là lời kêu gọi khẩn thiết của cộng đồng quốc tế. Ðó còn là tiếng van cầu của những thân phận thường dân nhỏ nhoi đang bị cuốn vào cuộc xung đột Ác-mê-ni-a (Armenia) - A-déc-bai-gian (Azerbaijan).

"Tôi thậm chí còn chưa từng tưởng tượng điều này sẽ xảy ra" - A.Xi-mô-ni-an (Anahit Simonyan), một giáo viên trẻ người Ác-mê-ni-a trả lời hãng thông tấn Al Jazeera - "Mọi người đều có gia đình, có người thân, và mọi gia đình đều có thể có một người chồng đang phục vụ ngoài chiến trường". Và từ bên kia biên giới, N.Re-hi-mi-li (Nuhlan Rehimili) - một nhân viên nhà hàng ở A-déc-bai-gian - thổ lộ: "Tôi sinh năm 1997, và tôi đã kịp chứng kiến cuộc xung đột Ka-ra-bắc (Karabakh) này trong quá khứ. Không được phép để chúng ảnh hưởng đến những thế hệ kế tiếp".

Không xa nơi an toàn mà họ đang có mặt là những tiếng bom rơi đạn nổ, tiếng gầm rít của máy bay hay bánh xích xe tăng, tiếng trọng pháo và tiếng đại liên… từ khu vực Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc (Nagorno Karabakh). Theo hãng thông tấn DW, tính đến ngày 29-9, tổng số người thiệt mạng đã lên tới 95 (trong đó có 11 thường dân, do pháo kích) và 200 binh sĩ khác của các bên tham chiến bị thương.

"Lò lửa xung đột" này mới tạm yên ắng được khoảng bốn năm, kể từ lần bùng lên tháng 4-2016. Và hiện tại, nó lại tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế phải lên tiếng. Ngày 29-9, trong khi Tổng thống Pháp E.Ma-crông (Emmanuel Macron) hối thúc thảo luận trong "Nhóm Min-xcơ (Minsk, do Mỹ, Nga, Pháp chủ trì)" để tìm giải pháp, thì Thủ tướng Ðức A.Méc-ken (Angela Merkel) kêu gọi các nhà lãnh đạo Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-gian "lập tức chấm dứt giao tranh" qua điện đàm.

Ó lẽ sẽ là phiến diện, nếu cứ cố gò một trong những cuộc xung đột lâu đời nhất còn tồn tại trong thế giới hiện đại, với tất cả những yếu tố nhạy cảm như tôn giáo, sắc tộc, địa chính trị… này vào khuôn khổ chật hẹp của các vấn đề thuộc Liên Xô (trước đây) hay không gian hậu Xô-viết. Mối hiềm khích giữa Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-gian, với điểm nóng Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc, đã bắt đầu manh nha khởi phát ngay từ khi vó ngựa trường chinh của Thành Cát Tư Hãn tràn qua từ Trung Á đến Ðông Âu, tái định hình bản đồ các thành bang cũng như vị trí địa lý của các sắc dân. Khi đế chế Mông Cổ sụp đổ, cũng như khi đế quốc Ốt-tô-man (Ottoman) sụp đổ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, những mảnh vỡ lại tự cứa vào nhau.

Mối hiềm khích ấy chưa từng được giải quyết triệt để, khi Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc vừa được Ác-mê-ni-a xem là đất tổ, lại vừa được A-déc-bai-dan xem là lãnh thổ hợp pháp của mình. Ở một góc nhìn nào nó, những vấn đề phức tạp của nó tương tự như "Ðất Thánh" Giê-ru-xa-lem (Jerusalem) trong cách tiếp cận vấn đề đối lập giữa I-xra-en (Israel) và Pa-le-xtin (Palestine).

Và cũng đồng dạng với Giê-ru-xa-lem, với vị trí địa lý "liên khu vực", cuộc xung đột này luôn đứng trước nguy cơ bị quốc tế hóa nhằm phục vụ lợi ích của các trung tâm quyền lực quốc tế, đặc biệt là những thế lực đang trỗi dậy mạnh mẽ hướng tới những vị thế mới.

Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía A-déc-bai-gian. Còn nước Nga ủng hộ Ác-mê-ni-a. Các cường quốc ấy đã lựa chọn như thế, vì lợi ích cốt lõi của mình, đó là điều hiển nhiên. Tuy vậy, nếu như họ không thể dàn xếp để ít nhất một lần nữa hạ nhiệt lò lửa này, hòa bình, ổn định và nền tảng phát triển của cả khu vực Cáp-ca-dơ (Kavkaz) sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Ðiều đó chẳng có lợi cho ai hết, bởi vì chính Liên hiệp châu Âu (EU) cũng sẽ thấy an ninh năng lượng của mình bị đe dọa, khi các đường ống dẫn dầu từ biển Ca-xpi (Caspi) nối vào cựu lục địa bị đặt dưới tầm pháo kích hay oanh tạc.

Trên tất cả, thường dân cả hai phía sẽ là những người phải nhận lãnh những hệ quả nặng nề nhất. 30 nghìn người thiệt mạng và gần một triệu người mất nhà cửa trước lệnh ngừng bắn năm 1994, hay 110 người chết chỉ trong thượng tuần tháng 4-2016, hay thực trạng kinh tế - xã hội bị đẩy lùi… chưa phải là những cái giá vô nghĩa phải trả, những bài học kinh nghiệm đau đớn hay sao?