Nếu, và thì...

Bắt đầu lại từ đầu luôn luôn là một công việc khó khăn. Ðặc biệt là khi người ta có những lý do vững chắc để từ chối điều đó, như cách I-ran (Iran) đang thể hiện với phương Tây, về các vấn đề chung quanh thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.

Ngày 8-12, Bộ trưởng Ngoại giao I-ran M.G.Gia-ríp (Mohammad Javad Zarif) khẳng định trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân của mình: Cho dù Tê-hê-ran (Tehran) “sẵn sàng đối thoại với các nước láng giềng và đề xuất những cơ chế đối với an ninh và hòa bình trong khu vực thông qua các cuộc đàm phán nội bộ”, thì I-ran vẫn “sẽ không bàn thảo với phương Tây về các vấn đề của khu vực”.

Ông cho rằng “sự can thiệp của phương Tây là nguyên nhân dẫn tới các vấn đề tại Trung Ðông”, và ông kêu gọi các nước trong khu vực tổ chức một cuộc đối thoại nhằm giải quyết những vấn đề nóng, thay vì đòi hỏi tham gia cùng phương Tây trong đàm phán với I-ran, như một số nước láng giềng đang cố gắng thực hiện.

Trước đó một ngày, Pháp, Ðức và Anh (gọi là nhóm E3) ra tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại khi I-ran lên kế hoạch lắp đặt các cụm máy ly tâm làm giàu urani mới. E3 đánh giá: Kế hoạch đó của I-ran  đi ngược lại với thỏa thuận lịch sử được Tê-hê-ran ký kết với Nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Ðức) năm 2015 (gọi tắt là JCPOA), và dù thế nào, thỏa thuận này vẫn là biện pháp tốt nhất để giám sát và kiềm chế chương trình hạt nhân của I-ran. 

Tuy vậy, JCPOA còn nguyên vẹn là chính nó, với những cam kết mà tất cả các bên đều muốn và cố gắng tuân thủ, như khi được cả thế giới hân hoan chào đón năm 2015 hay không?

Có lẽ là không. Tổng thống Ðô-nan Trăm (Donald Trump) đã đưa nước Mỹ rời bỏ nó, và cũng mới ngày 7-12, Bộ trưởng Ngoại giao Ðức H.Ma-át (Heiko Maas) nói thẳng: Cần phải đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới ở phạm vi rộng lớn hơn để kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo của Tê-hê-ran, nhằm “phù hợp với lợi ích của chúng tôi”, đồng thời cảnh báo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn là chưa đủ cho mục tiêu này, nghĩa là phủ nhận không ít ý nghĩa thực tế mà JCPOA đã từng có.

Sự quay lưng của nước Mỹ mở đường cho I-ran tuyên bố rằng họ có quyền giảm bớt các cam kết theo những thỏa thuận đã được ký kết. Trong khi đó, cách phản ứng của nước Ðức cũng như E3 sẽ chỉ càng khiến Tê-hê-ran thêm quyết liệt, đặc biệt là khi phương Tây muốn thấy một I-ran “không có vũ khí hạt nhân cũng như các chương trình tên lửa đạn đạo, và đóng một vai trò khác trong khu vực”. Xét trên mọi khía cạnh, điều đó là một đòi hỏi rất khó chấp nhận, khi gây những tổn hại trực tiếp đến lợi ích cốt lõi quốc gia mà I-ran hướng đến.

Trong khi đó, việc A-rập Xê-út (Saudi Arabia) - kình địch trong khu vực -  đại diện cho một số quốc gia Vùng Vịnh khác đòi hỏi được tham vấn đầy đủ nếu Mỹ định khôi phục JCPOA trong thời gian tới, như “con đường duy nhất để đạt được một thỏa thuận bền vững”, hiển nhiên cũng chẳng thể khiến Tê-hê-ran dễ chịu. “Mọi người đều có quyền được lên tiếng, nhưng tốt nhất là họ đừng nói gì quá phạm vi quyền hạn của mình” - Bộ Ngoại giao I-ran đáp trả.

Căng thẳng rõ ràng là đang gia tăng, và không khó để nhận thấy: Tất cả các bên đều đang cố gắng chiếm lĩnh những lợi thế nhất định, trước khi nước Mỹ chính thức quyết định rằng mình có trở lại với JCPOA hay không, sau ngày chuyển giao quyền lực ở Nhà trắng. Nói như thế, cũng có nghĩa là hầu hết mọi vấn đề đều đang để ngỏ ở dạng “Nếu - thì…”, khi bên nào cũng chờ đợi đối phương nhượng bộ.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt là không ai chắc chắn được điểm thỏa hiệp hợp lý của mình nằm ở đâu, khi cả E3, cả I-ran, cả A-rập Xê-út và dĩ nhiên là cả nước Mỹ đều có nhu cầu bức thiết, về chuyện bảo vệ cũng như nâng cao vị thế của mình.