Một cuộc đối đầu khác

Cả thế giới đang tràn ngập lạc quan và hy vọng vào một tương lai hòa bình và ổn định, sau những bước xích lại gần nhau đầu tiên giữa hai cường quốc Nga - Mỹ. Nhưng, cùng lúc đó, những rạn nứt trong mối quan hệ truyền thống Mỹ - Liên hiệp châu Âu (EU) lại đang mỗi lúc một trở nên rõ ràng.

Và mới nhất, ngày 17-7, sự chia rẽ của phương Tây dường như đã đạt đến một ngưỡng mới. Ðại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của EU - Ph.Mo-ghe-ri-ni (Federika Mogherini) tuyên bố: "Chúng tôi đã thông qua cơ chế phong tỏa (các lệnh cấm vận của Mỹ), và sẽ làm tất cả các biện pháp có thể để cho phép I-ran (Iran) hưởng các lợi ích kinh tế tương tự như việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt".

Ðó là một sự thách thức hiển nhiên, đối với quyết tâm bắt I-ran phải cúi đầu, từ phía Oa-sinh-tơn (Washington). Ðó là lời khẳng định rằng, ngược với mong muốn của Nhà trắng, châu Âu sẽ "làm tất cả những gì có thể để tránh cho thỏa thuận hạt nhân với I-ran khỏi sụp đổ, bởi đó sẽ là thảm họa đối với tất cả".

Và động thái ấy cũng bao hàm cả một ẩn ý đầy tinh tế: Nước Mỹ phải tôn trọng lợi ích của các đồng minh truyền thống!

Thực ra, đây chỉ là diễn biến tiếp theo của một câu chuyện khá dài, đã bắt đầu từ khá lâu và rất khó sớm kết thúc, bởi tính chất phức tạp của nó.

Uy tín của các đại biểu EU trong nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ðức) cũng như lợi ích kinh tế cần phải được bảo vệ của các công ty châu Âu trong quá trình bình thường hóa quan hệ với I-ran chỉ là bề mặt của rất nhiều những xung đột về tư tưởng khác, giữa hai bờ Ðại Tây Dương, kể từ khi đương kim Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump) đắc cử.

Sự cứng rắn của ông và việc ông đặt tất cả mọi mối quan hệ ngoại giao xuống dưới lợi ích của nước Mỹ, đã và đang khiến châu Âu hết sức khó xử. Ðiển hình, ngày 15-7, phát biểu trước khi lên đường đến Phần Lan tham dự hội nghị cấp cao với Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin), ông khiến cả thế giới sửng sốt khi xem EU là "một trong những kẻ thù của nước Mỹ, bởi những gì mà họ đã làm với chúng ta trong lĩnh vực thương mại".

Một mặt, các nhà lãnh đạo EU vẫn phải cố "hạ nhiệt" tình hình, khi nhìn nhận rằng với Tổng thống Mỹ, "ai chẳng là kẻ thù và cần phải xem xét các tuyên bố của ông với sự điềm tĩnh nhất định", như đánh giá từ Bộ Ngoại giao Pháp; rằng đó chỉ là "một biện pháp tu từ cường điệu hóa", như lời Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha. Mặt khác, hẳn không ai có thể cảm thấy dễ chịu trước những lời lẽ "gây hiểu lầm và không mang tính xây dựng", như phản ứng (dù đã rất kiềm chế) từ phía nước Ðức.

Sâu xa hơn, sự đổ vỡ của những cam kết về các hiệp định thương mại tự do lớn, sự "phủi tay" của nước Mỹ ở các vấn đề mang tính toàn cầu (như chống biến đổi khí hậu), hay việc Nhà trắng đòi hỏi châu Âu phải đóng góp nhiều hơn nữa vào các kế hoạch chung (như hoạt động của Khối hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương - NATO) và gần nhất là những đe dọa về việc áp những hàng rào thuế quan mới khắc nghiệt hơn cho một số sản phẩm từ EU… cũng là những khúc mắc chưa bao giờ được giải quyết triệt để.

Châu Âu không sẵn lòng chiều theo mọi ý muốn của Nhà trắng. Ít nhất thì qua câu chuyện đang diễn ra chung quanh thỏa thuận hạt nhân I-ran, họ đã và đang thể hiện điều đó một cách kiên định. Cho dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu J.C.Giăng-cơ (Jean Claude Junker) đã sẵn sàng lên đường sang Oa-sinh-tơn để hội kiến với Tổng thống Ð.Trăm, thì khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ð.Tu-xcơ (Donald Tusk) nhấn mạnh rằng "bóng tối ngày càng tăng trên các mối quan hệ chính trị quốc tế", sự lạnh nhạt giữa hai phía đã trở thành không thể che giấu.

Nếu câu chuyện cứ tiếp diễn theo chiều hướng như thế, sẽ không chỉ có I-ran đóng vai trò "điểm nóng", cho một sự đối đầu không tránh khỏi. Và có thể còn là những phân ly…