Mở rộng những cánh cửa

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Châng Ưn (Kim Jong Un) hạ kính chiếc xe chuyên dụng của mình để vẫy chào người dân Việt Nam, sau hành trình hơn 100 km từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) về tới Thủ đô Hà Nội - một hình ảnh đầy tính biểu trưng. Nó không chỉ thể hiện sự cởi mở và thiện chí của vị quốc khách, mà còn gián tiếp gợi lên rằng Việt Nam là “điểm hẹn” được lựa chọn vô cùng hợp lý, cho cuộc gặp gỡ Hoa Kỳ - Triều Tiên ở cấp cao nhất lần thứ hai này.

Trước ngày cuộc gặp gỡ cấp cao này chính thức diễn ra, Reuters, cũng như rất nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới, thậm chí đã phác thảo những kết quả hết sức khả quan, thí dụ như việc chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, hoặc những đột phá trong tiến trình xử lý các khúc mắc trong vấn đề vũ khí hạt nhân - điểm mấu chốt trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Triều Tiên hàng thập kỷ qua.

Có lẽ, một phần cơ sở của những dự báo tươi sáng ấy xuất phát từ chính việc Việt Nam được đề nghị và đồng ý trở thành nơi diễn ra sự kiện quan trọng này. Một hội nghị hướng đến hòa bình được tổ chức tại Hà Nội - thành phố tròn 20 năm nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng, trên một đất nước đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh nhưng vẫn luôn sẵn sàng “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”, “là bạn với tất cả”…, bản thân điều đó cũng đã là những gợi mở đầy cảm hứng.

Và Tổng thống Hoa Kỳ Đ.Trăm (Donald Trump), ngay khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, cũng nhanh chóng bộc lộ cảm nghĩ theo cách quen thuộc, trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân của mình: “Cảm ơn tất cả mọi người, vì sự đón tiếp nồng nhiệt ở Hà Nội (Thank you to all of the people for the great reception in Hanoi)”.

Như nhận xét của nhà ngoại giao kỳ cựu, cựu Đại sứ Việt Nam tại CHDCND Triều Tiên Phạm Tiến Vân, mặc dù hai bên vẫn cần thêm những lần gặp gỡ sau hội nghị cấp cao này, mối quan hệ Hoa Kỳ - Triều Tiên vẫn đi đúng hướng. Nhưng hơn thế, “việc lãnh đạo hai nước chọn Hà Nội làm địa điểm gặp gỡ là điều rất tốt để thúc đẩy giải quyết vấn đề hạt nhân, giải quyết vấn đề trong các mối quan hệ Hoa Kỳ - Triều Tiên và Triều Tiên - Hàn Quốc, tạo ra bối cảnh mới cũng như tạo cơ hội để Triều Tiên mở quan hệ với các nước khác”.

Luôn cần một người chủ nhà thích hợp cho những vị khách đặc biệt. Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần này được tổ chức tại Hà Nội một lần nữa phản ánh rõ nét sự tín nhiệm mà cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam - quốc gia thành viên Liên hợp quốc có trách nhiệm với công việc chung, tích cực đóng góp vào các nỗ lực hòa giải nhằm kiến tạo hòa bình ở khu vực cũng như trên thế giới. Đồng thời, việc tổ chức Hội nghị chu đáo, an toàn cũng khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, góp phần nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Việt Nam đã, đang và tiếp tục là một người bạn, một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai này họp tại Hà Nội càng khẳng định điều này. Như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (ngày 13-8-2018) với chủ đề: “Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” (được Tạp chí Cộng sản đăng toàn văn), Việt Nam cần phải “phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, coi đó là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030”.

Những mệnh lệnh của thời đại ấy đã được cụ thể hóa bằng chính lòng dân, theo những phương thức mộc mạc nhưng thiết thực nhất. Những chén trà nóng miễn phí mà một ông chủ quán nước mời đông đảo các phóng viên quốc tế tác nghiệp trên đường Lý Thường Kiệt, thật sự, nói lên bao nhiêu tâm tình. Việt Nam là nơi để rộng mở những vòng tay…