Lửa đổ thêm dầu

Đó là một thảm kịch. Song, những gì đang chờ đợi tiếp diễn sau vụ nổ kinh hoàng khiến ít nhất 73 người chết cùng hơn 3.700 người bị thương tại Thủ đô Bây-rút (Beirut) của Li-băng (Lebanon) ngày 4-8 có thể sẽ còn mang tới nhiều hệ lụy khó lường hơn.

Như những thông tin ban đầu mà Thủ tướng Li-băng H.Đi-áp (Hassan Diab) công bố, vụ nổ bắt nguồn từ một nhà kho chứa 2.700 tấn amoni nitrat (NH4NO3) - thành phần chính của một số loại thuốc nổ dùng trong khai khoáng. Khối lượng hợp chất này đã bị bỏ lại tại cảng Bây-rút kể từ năm 2014. Vấn đề là, loại hợp chất này chỉ có thể được kích nổ trong những điều kiện nhất định, và điều này khiến dậy lên những phỏng đoán về một vụ tiến công có chủ đích. Theo một số chuyên gia, vụ nổ có sức công phá tương đương 240 tấn thuốc nổ TNT, và bằng khoảng một phần năm một quả bom nguyên tử.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Hội đồng Quốc phòng tối cao Li-băng đã phải lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp, trước mắt là trong vòng hai tuần, đồng thời chuyển giao trách nhiệm bảo vệ an ninh cho quân đội. 

Quân đội vào cuộc, có nghĩa là những mối hiểm họa về an ninh quốc gia của Li-băng đã được nhận diện ở mức cao nhất, vượt quá tầm mức của các hình thức tội phạm thông thường mà lực lượng cảnh sát có thể đảm nhiệm. Dù là một tai nạn hay kẻ nào đứng sau vụ nổ này, những hệ lụy của nó cũng sẽ khiến Chính phủ Li-băng phải hành động vô cùng cẩn trọng. 

Trong những diễn biến ban đầu ngay sau vụ nổ, chưa có phe phái hay lực lượng nào đứng ra nhận trách nhiệm. Những cáo buộc được gán cho tổ chức Héc-bô-la (Hezbollah), song họ lập tức phủ nhận. Tổng thống Li-băng M.A-o-un (Michel Aoun) gấp rút quyết định duyệt chi khoảng 66 triệu USD cho các công tác cứu hộ khẩn cấp, và chính quyền Bây-rút tuyên bố: “Những kẻ chịu trách nhiệm về thảm họa này sẽ phải trả giá!”. 

SẼ là tương đối khó hình dung, nếu không đặt vụ nổ cũng như Li-băng vào một cái nhìn toàn khu vực, với những mối liên hệ chồng chéo và phức tạp trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông. 

Li-băng chính là “chiến khu” của tổ chức Héc-bô-la (Hezbollah) - tổ chức chính trị, vũ trang của người Hồi giáo Li-băng dòng Xi-ít (Shiite), được thành lập từ năm 1982, khi I-xra-en (Israel) tiến quân vào Li-băng nhằm truy quét Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO). Kể từ đó, Héc-bô-la đã luôn sát cánh với cuộc đấu tranh bền bỉ của Pa-le-xtin. Hơn thế, Héc-bô-la trong quá khứ còn bị cáo buộc thực hiện rất nhiều hành động vũ trang - bạo lực chống cả I-xra-en lẫn Mỹ. Li-băng, vì thế, đối với các chiến binh Pa-le-xtin, như một “căn cứ địa”. Và hiện tại, xung đột Pa-le-xtin - I-xra-en đang tiệm cận “lằn ranh đỏ”, với bản kế hoạch sáp nhập các khu vực ở Bờ Tây, cùng các khu định cư Do thái tại Đông Giê-ru-xa-lem (Jerusalem) vào bản đồ hành chính I-xra-en. 

Trong khi đó, cả Trung Đông cũng đã biến thành một bàn cờ tranh giành ảnh hưởng giữa các tuyến cường quốc đối diện nhau trong sự hình thành những trật tự mới.  Chính vì thế, khi đương kim Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) ngỏ ý “Mỹ sẵn sàng ở đó để giúp đỡ Li-băng”, khi không chỉ Liên đoàn A-rập (AL) cũng như các nước vùng Vịnh mà cả Nga, Pháp hay I-ran đều cùng đồng loạt chìa tay, việc đầu tiên mà Chính phủ Li-băng cần phải thực hiện lại chính là chứng tỏ năng lực tự kiểm soát tình hình. 

Điều đó là hoàn toàn dễ hiểu. Không những phải chú ý đến các toan tính “ngoài cõi” nhằm bảo vệ  độc lập, chủ quyền của mình, Bây-rút cũng sẽ phải nỗ lực ngăn chặn các mưu đồ nhân cục diện hỗn loạn mà giành thêm lợi thế chính trị ở trong nước, những toan tính có thể đẩy mọi guồng quay trở nên nhanh và khó lường hơn. 

Có lẽ cũng cần nhắc lại một sự kiện: Mới ngày 3-8, Bộ trưởng Ngoại giao Li-băng - ông N.Hít-ti (Nassif Hitti) - đã từ chức để phản đối cách chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, khi Bây-rút không sẵn sàng thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). 

Với một chi tiết này thôi, cũng có cơ sở để phác lên những mầm bất ổn trong xã hội quốc gia ấy. Và bây giờ, Li-băng có thêm một thảm kịch, cùng những hệ lụy kinh khủng của thảm kịch…