Lựa chọn duy nhất

Một quyết định lịch sử. Đương kim Tổng thống Pháp E.Ma-crông (Emmanuel Macron) đã chính thức kích hoạt cuộc Đối thoại quốc gia - điều chưa từng diễn ra trước đây - nhằm thảo luận về các vấn đề mà người dân Pháp quan tâm, đồng thời hàn gắn những chia rẽ sâu sắc trong tâm trạng xã hội Pháp. Có thể đó không phải là một lựa chọn hoàn hảo, nhưng trong lúc này, đó dường như là lựa chọn hợp lý duy nhất.

Những cuốn sổ thu thập ý kiến công dân đã được mở công khai, trên khắp nước Pháp, từ nay đến ngày 15-3. Các cuộc thảo luận cũng sẽ sẵn sàng được triển khai, ở cả những khu vực công cộng (miễn là phù hợp với luật pháp) lẫn những khu vực riêng tư, với sự tham gia của cả các cá nhân lẫn các đoàn thể. Những "đường dây nóng" nhận ý kiến cũng đã được thiết lập.

Ðến đầu tháng 3-2019, các vùng nước Pháp sẽ thành lập "hội đồng công dân" của mình (khoảng 100 người/vùng, với sự tham gia rộng rãi của đại diện các thành phần), nhằm trao đổi và thảo luận về các ý kiến đã thu thập được. Ở thượng tầng kiến trúc, một hội đồng cấp cao gồm năm thành viên (hai người do Thủ tướng Pháp bổ nhiệm, hai người do hai viện của Quốc hội lựa chọn, người còn lại đại diện cho Hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường) sẽ bảo đảm cho cuộc Ðối thoại quốc gia diễn ra minh bạch.

"Chúng ta sẽ có hai tháng để biến nỗi tức giận thành giải pháp. Những đề xuất của quý vị sẽ tạo nên một khế ước mới cho đất nước, định hình hoạt động của Chính phủ và Quốc hội, đồng thời tái định hình vị thế nước Pháp tại châu Âu và thế giới". Tổng thống Pháp E.Ma-crông đã đặt nhiều kỳ vọng đến như vậy, vào bước chuyển lớn lao này.

Dĩ nhiên, quyết định ấy ngay lập tức đã nhận được những phản ứng trái chiều, ở nhiều mức độ khác nhau, từ phía các thành phần đối lập trên chính trường Pháp.

Nếu các đảng ôn hòa truyền thống (đảng Xã hội, đảng Những người Cộng hòa…) xem đó là một chiêu trò truyền thông đơn thuần, và dè dặt trong việc xác định có tham gia chương trình Ðối thoại quốc gia này hay không, thì G.L.Mê-lăng-sông (Jean Luc Melenchon) - người lãnh đạo thiên tả của đảng Nước Pháp bất khuất cho rằng: Ðối thoại chỉ là cách chính quyền lảng tránh dự án sửa đổi hiến pháp. Ði xa hơn, phe cực hữu Tập hợp quốc gia từ chối đối thoại như một giải pháp, mà đòi hỏi phải lập tức giải tán hạ viện, tiến hành bầu cử và cải tổ hiến pháp.

Cơ sở lập luận của họ xuất phát từ chính những điều mà hành động của Tổng thống Pháp Ma-crông gián tiếp bộc lộ. Ðó là thắng lợi của những người biểu tình "Áo vàng", khi buộc được chính phủ phải có những phản ứng không có tiền lệ. Ðó là sự thừa nhận nỗi thất vọng trong tâm trạng người dân Pháp, cũng như thừa nhận sự chính đáng trong một phần các yêu sách mà phong trào "Áo vàng" thể hiện. Nói cách khác, Chính phủ Pháp đã bị đẩy vào "thế yếu", và đó là điều mà các đối thủ chính trị của Tổng thống Ma-crông tận dụng triệt để.

Tuy nhiên, đặt vào địa vị của đương kim Tổng thống Pháp hiện tại, có lẽ không còn hướng đi nào "sáng sủa" hơn đối thoại và thiết lập những mối kết nối giữa nhân dân và chính quyền nhằm tái xây dựng niềm tin.

Thật dễ dàng để phán xét rằng Phủ Tổng thống Pháp thiếu một chút cứng rắn, sau khi đã liên tục nhượng bộ mà vẫn không ngăn nổi các cuộc biểu tình của phe "Áo vàng" tiếp diễn đến gần hai tháng liên tục. Vấn đề là, không phải trấn áp bằng vũ lực chưa từng được tính tới, nhưng đó sẽ là một giải pháp vô cùng mạo hiểm, trong khi mọi phương án khác cũng đều có nguy cơ làm chệch hướng các quyết sách quan trọng nhất được đặt ra từ ngày ông Ma-crông đắc cử.

Sự thiếu hụt niềm tin chính là căn nguyên cốt lõi làm bùng phát những mâu thuẫn tích tụ trong lòng xã hội Pháp, thì niềm tin cần phải được lấp đầy bằng cách giản dị nhất: Ðối thoại, với thật nhiều chân thành. Bởi vì, trong bối cảnh hiện tại, bất cứ toan tính áp đặt ý chí nào đều có thể khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn nữa.

Mà phần còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống này vẫn còn khá dài. Chưa nói đến chặng đường tái tranh cử về sau…