Lời nói gió bay…

Cộng đồng quốc tế không thể tiếp tục “quay lưng” với thảm họa nhân đạo đang diễn ra ở Y-ê-men (Yemen), đó là lời kêu gọi thống thiết của người đứng đầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - ông A.Xtai-nơ (Achim Steiner), ngày 29-7. Và điều đó, xét cho cùng, cũng là một tiếng than vô vọng.

Bốn năm xung đột vừa qua đã kéo lùi sự phát triển của Y-ê-men tới 20 năm, theo báo cáo mới nhất của UNDP.

“Quãng lùi hai mươi năm” ấy là một khái niệm khá mơ hồ, và nó có thể được diễn giải theo một cách khác, ấn tượng hơn nhưng cũng tàn nhẫn hơn gấp bội: Thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Đó là khoảng 20 triệu người (tương đương hai phần ba dân số) cần được nhận hỗ trợ nhân đạo, và khoảng 10 triệu người đối mặt nguy cơ bị đói. Đó là hàng chục nghìn người thiệt mạng, kể từ khi liên quân quốc tế do A-rập Xê-út (Saudi Arabia) dẫn đầu (và ủng hộ Chính phủ Y-ê-men được cộng đồng quốc tế công nhận) bắt đầu giao tranh với lực lượng nổi dậy Hu-thi (Houthi).

Đó là hàng triệu trẻ em mất nhà, không được đi học, không được chăm sóc y tế, đói ăn, khát nước sạch... Đó là bóng tối phủ lên tương lai của cả một đất nước.

Và bốn năm qua, hiện trạng đau thương đó của Y-ê-men không ít lần trở thành chủ đề chính trong các chương trình nghị sự quốc tế, không ít lần nhận được những cam kết hỗ trợ nhân đạo, những lời hứa hẹn giúp đỡ tái thiết…, bên cạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột.

Song, xung đột vẫn cứ tiếp diễn, lúc bùng phát, lúc âm ỉ. Mới tối 29-7 thôi, lại một khu chợ dính đạn hỏa tiễn (rocket) không rõ từ phía nào, khiến 10 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Hận thù cứ theo dòng chiến sự mà tích lũy, để tiến trình hòa giải - hàn gắn những vết thương tâm lý sau này càng thêm nan giải.

Mà bên cạnh đó, cho đến đầu năm nay, theo UNDP, Liên hợp quốc mới chỉ nhận được chưa đến 36%, trong tổng số tiền 2,6 tỷ USD mà các nước cam kết đóng góp.

Nếu đến quý IV-2019 mà những khoản tiền viện trợ ấy vẫn không được chuyển đến nơi cần đến, hệ lụy sẽ vô cùng tồi tệ. Ít nhất, hơn 20 chương trình hỗ trợ nhằm giảm nhẹ những đau thương cho người dân Y-ê-men sẽ phải dừng lại. Nạn đói sẽ có thể bùng phát dữ dội hơn nữa. Trẻ em sẽ có thể bị đọa đày tàn khốc hơn nữa. Kể cả những đứa trẻ sơ sinh…

Nhưng, kể cả với tiếng than của người đứng đầu UNDP, và kể cả hiện trạng đang tồi tệ đi mỗi ngày của Y-ê-men, liệu có bao nhiêu cơ hội để tình hình đổi thay?

Y-ê-men đến nông nỗi này, đầu tiên là bởi vì cuộc xung đột mang tính chất nội bộ trong quốc gia đã trở thành một điểm nóng được quốc tế hóa, một bàn cờ tranh đoạt ảnh hưởng chính trị. Đây không còn là chuyện riêng của người Y-ê-men nữa. Đây là cuộc cạnh tranh thế lực giữa hệ phái Xun-ni (Sunni, do A-rập Xê-út lãnh đạo) với hệ phái Xi-ít (Shii’te, mà I-ran là cường quốc hàng đầu) - mối hiềm khích nghìn năm trong lòng thế giới Hồi giáo. Và không chỉ là I-ran đối mặt A-rập Xê-út, cao hơn, cũng như ở Xy-ri (Syria), cuộc xung đột tại Y-ê-men còn là cuộc đọ sức ngấm ngầm giữa hệ giá trị Mỹ với các hệ giá trị còn lại. A-rập Xê-út là đồng minh thân thiết của Mỹ, còn I-ran cũng có một đồng minh truyền thống hùng mạnh, là nước Nga.

Trong bối cảnh đó, chiến thắng (cả trên thực địa chiến trường lẫn trên bàn đàm phán) mới là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi. Mà chiến thắng nào cũng cần phải có hy sinh. Ở đây, những sinh mạng vô tội bị đem ra làm “vật tế thần”, trong một cái vòng luẩn quẩn: Chiến sự không ngưng, thì hàng hóa cứu trợ không thể đến được tay người cần. Chi phí cho hàng hóa cứu trợ không tạo nên hiệu quả, thì rất khó giải ngân tiếp. Chưa kể, những nỗ lực cứu trợ ấy, để xuyên qua được vòng binh lửa, cũng sẽ lại phải “làm đẹp lòng” được phía này hay phía kia…

Song, điều cốt lõi cuối cùng vẫn chỉ là: các cường quốc đã hứa hẹn đóng góp cứu trợ có thật sự muốn thực hiện các hoạt động cứu trợ cho người dân Y-ê-men bằng mọi giá hay không?