Lời nguyện cầu trong vô vọng

Y-ê-men (Yemen) vẫn đang là nơi diễn ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới. Thế nhưng, khi xung đột và chiến tranh còn tiếp diễn, Xy-ri (Syria) có lẽ “không thua kém” đất nước láng giềng của mình, về mức độ tang thương.

Ngày 24-4, tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về tình hình Xy-ri, bà U.Mu-ê-lơ (Ursula Mueller) - Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo - tiếp tục gióng lên một hồi chuông thống thiết nữa về hiện trạng của đất nước tan hoang sau tám năm binh lửa điêu tàn đó.

Như bà hé lộ, hiện có khoảng 12 triệu người dân Xy-ri sống phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế. Ở một góc nhìn khác, cứ 10 người dân Xy-ri thì có tám người đang phải sống (hay nói đúng hơn: tồn tại) dưới mức nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Ðặc biệt, theo bà, có ba địa điểm đã thật sự phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng: khu vực I-đơ-líp (Idlib) - nơi đã có 120.000 người bỏ nhà đi lánh nạn sau khi xung đột gia tăng đầu năm nay; trại tị nạn An Hon (Al Hol) - nơi trú ngụ của 73.000 dân thường, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em đang phải hứng chịu tình trạng bạo lực nghiêm trọng cũng như bị tổn thương trầm trọng về tinh thần; và trại tị nạn Ru-cơ-ban (Rukban) - nơi trú ngụ của 50.000 người vừa chạy trốn chiến tranh, vừa chạy trốn cả thời tiết khắc nghiệt lẫn sự thiếu thốn đến cùng cực các nhu yếu phẩm. Tại những địa điểm này, có khoảng một triệu trẻ em (trong số khoảng 2,7 triệu người) rất cần được hỗ trợ nhân đạo cấp bách.

XY-RI liệu có trở thành phiên bản mới của Y-ê-men? Ở đó, cũng theo số liệu báo cáo tổng quan đầu năm 2019 của LHQ, số người cần được hỗ trợ cấp bách đã lên tới con số khủng khiếp: 14,3 triệu người. Trong đó, có khoảng 3,2 triệu người đã bị suy dinh dưỡng cấp tính, bao gồm khoảng hai triệu trẻ em dưới 5 tuổi, và một triệu phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.

Tổng cộng, hơn 20 triệu người (gần 80% dân số) trên khắp đất nước Y-ê-men không được bảo đảm an toàn thực phẩm. Một nửa trong số đó đang phải chịu cảnh đói khát cùng cực. 17,8 triệu người không có nước sạch; 19,7 triệu người không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Bệnh dịch, song hành với nạn đói, đã sẵn sàng bùng phát.

Y-ê-men hoàn toàn có thể trở thành tấm gương phản chiếu tình hình u ám của Xy-ri, bởi các vấn đề nhân đạo ở cả hai nước đều xuất phát từ những nguyên nhân tương đồng.

Khởi đầu là xung đột và chiến tranh, tiếp diễn với những cuộc tranh chấp quyền lực, rồi không thể sớm khép lại khi cuộc xung đột đó bị quốc tế hóa và trở thành bàn cờ tranh chấp ảnh hưởng địa chính trị của các cường quốc, mọi nỗ lực hỗ trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế đều chỉ có thể được triển khai một cách manh mún. Mà, mỗi ngày giao tranh, cơ sở vật chất của những đất nước ấy lại bị tàn phá nặng nề thêm, nền văn minh lại bị đẩy lùi thêm.

Đưa ra vấn đề này ở Hội đồng Bảo an LHQ, bà U.Mu-ê-lơ không chỉ kêu gọi chung chung. Bà đề xuất khá nhiều giải pháp cụ thể, tập trung những nạn nhân của cuộc xung đột, đặc biệt là trẻ em - những thế hệ chủ nhân tương lai của cả đất nước ấy. Bà nhấn mạnh rằng: Vấn đề mấu chốt là hỗ trợ nhân đạo bền vững - điều chẳng cần là chuyên gia, bất cứ ai cũng có thể tán đồng.

Có điều, trong lúc này, tiến trình tìm kiếm giải pháp hòa bình đích thực và khả thi cho Xy-ri vẫn chỉ đang ở những bước khởi đầu. Còn ở Y-ê-men, mọi chuyện cũng vẫn mịt mờ như cũ.

Vậy thì, có cách nào để thiết lập những cơ sở hỗ trợ nhân đạo bền vững? Hay là trong toan tính lạnh lùng của các cường quốc, sau Xy-ri, nhân loại sẽ lại phải cất lên thêm những lời nguyện cầu vô vọng, cho những phận người lay lắt không tên?