Khúc dạo đầu cho bão tố

Thấm thoắt, đã sắp tròn hai năm, kể từ ngày đương kim Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) đắc cử. Ông chuẩn bị phải vượt qua một “cửa ải” đầy thách thức: Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ (dự kiến diễn ra tháng 11 tới). Và những “chiêu thức” chính trường đã bắt đầu dấy lên, ngay từ bây giờ.

Cho đến tận lúc này, ông chủ hiện tại của Nhà trắng vẫn luôn thể hiện được rằng mình là một nhà lãnh đạo hoàn toàn trái ngược, về mọi mặt, với người tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ B.Ô-ba-ma (Barack Obama), đặc biệt là việc không cố làm vừa lòng bất cứ ai ngoài những người ủng hộ mình.

Diễn biến mới nhất thể hiện cá tính dị biệt của vị tổng thống đặc biệt ấy là chuyện ngày 29-7, ông tuyên bố: Sẽ cho phép chính quyền liên bang đóng cửa, nếu các chính trị gia đảng Dân chủ không bỏ phiếu ủng hộ cho các quyết sách của ông về vấn đề an ninh biên giới, trong đó có chuyện hoàn tất việc xây dựng bức tường ngăn cách biên giới Mỹ - Mê-hi-cô (Mexico), cũng như chuyện hủy các chương trình cấp thị thực vào nước Mỹ thông qua lựa chọn ngẫu nhiên.

Trước đây, thường thì giới quan sát chỉ thấy các vị Tổng thống Mỹ bị gây sức ép bằng nguy cơ đóng cửa chính phủ do Quốc hội không thống nhất được ngân sách hoạt động. Nhưng bây giờ, quả bóng lại được trả ngược lại phần sân của Đồi Ca-pi-tôn (Capitol Hill, trụ sở Quốc hội Mỹ).

Đó là một động thái thể hiện rằng ông Đ.Trăm kiên định (đến mức cực đoan) thế nào với những kế hoạch của mình. Đồng thời, cũng là sự bộc lộ ngấm ngầm rằng ông “tinh quái” ra sao, giữa sóng gió chính trường.

Nếu như những câu chuyện về đóng cửa chính phủ, về vách đá tài chính và về những tấm phiếu phủ quyết từng khiến cựu Tổng thống B.Ô-ba-ma “điêu đứng”, thì bây giờ, bằng tuyên bố này, đương kim Tổng thống Mỹ xem như đã đi trước một bước, để vô hiệu hóa những nguy cơ với rất nhiều tiền lệ trong quá khứ đó. Bất cần và có thể nói là phi chính trị (theo truyền thống), song cũng chính vì thế mà ông rất khó bị ép phải nhượng bộ.

Một cách ngắn gọn: Nếu người ta không muốn ông hoàn tất những gì còn dang dở, thì đấy, ông cũng sẵn sàng “phủi tay”. Mà thực ra, sau khi đã được giải ngân khoảng 1,6 tỷ USD cho việc xây dựng bức “trường thành” ngăn biên giới với Mexico, thật khó để bất cứ ai lên tiếng rằng hãy từ bỏ, và phá hủy những gì đã được dựng lên.

Không chỉ vậy, Đ.Trăm còn tiếp tục đẩy cao mức độ căng thẳng giữa ông với giới truyền thông, đặc biệt là những hãng truyền thông giữ “thói quen” công kích ông suốt hai năm qua, như Thời báo Niu Oóc (The New York Times) - tờ báo bị ông đánh giá là “đang sụp đổ”, hay Bưu điện Oa-sinh-tơn (The Washington Post) - tờ báo “chỉ biết đưa những thông tin tiêu cực”.

Ai cũng có thể đoán trước, càng gần đến cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, những cuộc “khẩu chiến” trên truyền thông sẽ càng lúc càng trở nên dữ dội. Và ông chủ Nhà trắng đã quyết định “đánh phủ đầu”.

Lúc này, đảng Cộng hòa vẫn đang chiếm đa số ghế ở Đồi Ca-pi-tôn. Lúc này, các kế hoạch của Đ.Trăm vẫn đang diễn ra gần như hoàn toàn đúng với tiến trình dự kiến, kể cả đối nội lẫn đối ngoại. Và lúc này, điều ông chú trọng là không để những kế hoạch ấy bị chệch khỏi quỹ đạo, thông qua việc tiếp tục duy trì “thế thượng phong” của mình trước những phản ứng trái chiều.

Dĩ nhiên là đảng Dân chủ sẽ tìm mọi cách để làm lung lay chiếc ghế mà ông đang ngồi. Họ sẽ cố gắng gia tăng vị thế ở Quốc hội, mở đường cho khả năng ngáng trở (hoặc thậm chí là phủ quyết) các ý tưởng của Chính phủ Mỹ, bằng những công cụ cần thiết. Sử dụng truyền thông đối lập là một công cụ như thế. Đe dọa đóng cửa chính phủ cũng là một công cụ như thế.

Trước mặt là bão tố. Nhưng, ở khúc dạo đầu này, có vẻ như các cố vấn của đương kim Tổng thống Mỹ đã chuẩn bị “hành trang” cho ông khá kỹ lưỡng, để tận dụng mọi ưu thế đã có được của mình.