Không thể đảo ngược!

Nước Mỹ chính thức bắt đầu tiến trình rút khỏi Thỏa thuận chung Pa-ri (Paris) về biến đổi khí hậu toàn cầu, và đó là điều không thể thay đổi vào lúc này. Nhưng, với “những người ở lại”, cam kết đã được đưa ra tại Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) những ngày cuối năm 2015 vẫn “nhất thành bất biến”.

Gần như cùng lúc với việc Bộ Ngoại giao Mỹ đệ trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) một thông báo liên quan đến việc rút khỏi Thỏa thuận chung Pa-ri, Tổng thống Pháp E.Ma-crông (Emmanuel Macron) cũng lên đường tới Bắc Kinh (Trung Quốc). Và ở đó, ông cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận khá nhiều về tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như nhất trí về tính “không thể đảo ngược” của Thỏa thuận chung Pa-ri.

Ðộng thái này đã được Văn phòng Tổng thống Pháp công bố rộng rãi trước khi nguyên thủ hai nước hội kiến, đi kèm với việc nước Pháp “lấy làm tiếc” với tiến trình “dứt áo” mà nước Mỹ chính thức bắt đầu, đồng thời nhấn mạnh rằng những mối dây liên hệ, những sự kết nối và những kế hoạch hợp tác giữa Pháp và Trung Quốc trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học cũng như bảo vệ khí hậu - môi trường trở nên cần thiết hơn.

Có thể hiểu, đó là một lời đáp trả ngắn gọn, kín đáo, tinh tế nhưng cũng rất kiên định mà Pa-ri gửi đến người đồng minh gần gũi (và hùng mạnh) bên kia Ðại Tây Dương.

Nước Mỹ đã phải chờ đợi khá lâu để chính thức trở thành quốc gia đầu tiên (và duy nhất cho đến lúc này) rút khỏi Thỏa thuận chung Pa-ri. Cho dù, từ đầu năm 2017 - khi mới đắc cử, đương kim Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump) đã đánh giá thỏa thuận đó “làm tổn thương đến nền kinh tế Mỹ, trong khi cho phép các quốc gia khác phát khí thải”. Ngày 23-10, ông tái khẳng định: Thỏa thuận chung Pa-ri “sẽ khiến nước Mỹ tổn hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm; sẽ cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí…”. Song, do các ràng buộc về mặt công pháp (cụ thể là các quy định của LHQ), cho đến bây giờ chính quyền của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm mới có thể cụ thể hóa những tư tưởng đó thành hành động.

Trong suốt gần ba năm qua, cả thế giới đã buộc phải chuẩn bị tinh thần cho điều này: Quốc gia phát khí thải nhiều nhất trên hành tinh sẽ không tham gia công cuộc bảo vệ mái nhà chung của loài người. Bất chấp mọi nỗ lực níu kéo của nước Pháp cũng như các đồng minh thân cận khác, bất chấp mọi lời phản đối hay chỉ trích, chính sách “Nước Mỹ trên hết” vẫn cứ được thực thi theo phương thức “một mình một đường”. Nói cách khác, nước Mỹ buộc phần còn lại của địa cầu phải lựa chọn, hay đúng hơn là phải chấp nhận điều họ muốn.

Tuy nhiên, chưa ai quên, ngày ra đời, Thỏa thuận Pa-ri đã được hoan nghênh nhiệt liệt thế nào, và nó đã thoát thai từ những nỗi lo lắng, những ám ảnh, những sức ép nặng nề, những nhu cầu bức thiết đến đâu của loài người, khi nền nhiệt mỗi lúc một gia tăng, và khi viễn cảnh tự hủy diệt mỗi lúc một rõ rệt. Từ đó đến nay, mỗi năm, những tiếng chuông cảnh báo lại càng trở nên gay gắt thêm.

Khi những núi băng tưởng chừng vĩnh cửu ở Bắc Cực cũng tan chảy, khi những dòng sông ôn đới cũng cạn, khi những vùng nhiệt đới mỗi lúc một khô khát…, mọi lý lẽ về kinh tế hay việc làm (đặc biệt là khi gắn với quyền lợi của riêng một quốc gia nào đó) đều trở nên khó thuyết phục. Và mới đây thôi, phòng họp lớn của Ðại hội đồng LHQ còn rung chuyển bởi lời “định tội” của một cô bé 16 tuổi, đại diện cho những thế hệ loài người kế tiếp: “Sao các người dám?!”.

Ngay lúc này đây, chính nội bộ nước Mỹ cũng đang chia rẽ về vấn đề này. Những đám cháy rừng khủng khiếp đã khiến bang Ca-li-pho-ni-a phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời thổi bùng lên những tranh cãi trên chính trường Mỹ. Thống đốc bang Ca-li-pho-ni-a (California) G.Niu-xom (Gavin Newsom) chỉ trích các chính sách môi trường của Nhà trắng, và ngược lại, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đe dọa sẽ rút viện trợ liên bang.

Thế giới đã chọn. Và có lẽ nước Mỹ cũng đã chấp nhận là họ sẽ “cô đơn”…