Không chỉ đóng lại cánh cửa ngoại giao...

Với việc áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Đại giáo chủ A.Kha-mơ-ni (Ali Khamenei) cùng một số quan chức cấp cao khác của I-ran (Iran), theo phát ngôn chính thức của Tê-hê-ran (Tehran), Mỹ đã “đóng vĩnh viễn cánh cửa ngoại giao giữa hai nước”. Có thể nói, gần như Mỹ và I-ran đã ở trong tình trạng chiến tranh.

Việc “đụng chạm” đến vị lãnh tụ tinh thần tối cao của nước cộng hòa Hồi giáo ấy (đồng thời cũng là ngọn cờ “bài Mỹ” suốt bao nhiêu năm qua) mang một thông điệp thật rõ ràng: Oa-sinh-tơn (Washington) không ngại sử dụng những biện pháp cứng rắn nhất để ép Tê-hê-ran phải khuất phục, đúng như một lời tuyên bố của đương kim Tổng thống Đ.Trăm (Donald Trump) trong quá khứ gần.

Ở một khía cạnh khác, đây có thể xem là sự bổ sung cho động thái hé lộ với toàn thế giới rằng ông chủ Nhà trắng đã cân nhắc một kế hoạch tiến công quân sự với I-ran, nhưng rồi tạm thời dừng lại (bởi “lo ngại về những thiệt hại nhân mạng”), vào cuối tuần trước.

Kế hoạch tiến công quân sự được tiết lộ ấy có thể chỉ là một “hư chiêu”. Song, bây giờ, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Đại giáo chủ I-ran là hiện thực. Chúng sẽ được áp dụng, “bất kể I-ran có bắn rơi máy bay do thám của Mỹ hay không”. Chúng sẽ hiện hữu, bởi Tổng thống Mỹ Đ.Trăm, dù bày tỏ rằng mình không muốn xung đột và vẫn để ngỏ khả năng đàm phán, vẫn “không cho phép I-ran có vũ khí hạt nhân”.

Và kèm theo đó, Mỹ cũng sẽ còn phong tỏa hàng tỷ USD tài sản của I-ran.

Hệ quả tức thời của quyết định này từ phía Mỹ bao gồm cả những phản ứng có thể tiên liệu, lẫn những ngã rẽ thấp thoáng.

Bộ Ngoại giao Nga lập tức lên tiếng cảnh báo rằng: “Mỹ nên cân nhắc thận trọng xem hành động liều lĩnh này sẽ đi đến đâu, khi nó không chỉ gây bất ổn ở Trung Đông mà còn làm suy yếu toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế”. Đồng thời, Mát-xcơ-va (Moscow) cũng gián tiếp “bật đèn đỏ” trước khả năng Mỹ sử dụng các biện pháp quân sự chống lại I-ran (điều mà Nhà trắng hăm dọa sau khi I-ran phản ứng với các lệnh trừng phạt mới), bằng việc nhắc lại rằng họ vẫn sẽ luôn đoàn kết với đồng minh của mình.

Thế nhưng, ở một diễn biến song song, ngày 25-6, Tê-hê-ran thông báo rằng kể từ tháng 7 tới, họ sẽ thực hiện các bước đi mới để làm giảm các cam kết theo kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) đã ký với nhóm P5+1. I-ran cáo buộc các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử này (Anh, Pháp, Đức) đã không nỗ lực đủ để bảo vệ nó.

Đó dường như chính là điều Mỹ muốn. Chiều ngược lại, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Lơ Đri-ăng (Jean-Yves Le Drian) cho rằng, I-ran sẽ phạm sai lầm nếu vi phạm JCPOA, và “ngành ngoại giao ba nước Pháp, Đức, Anh đang được huy động tối đa, để thuyết phục Tê-hê-ran rằng những bước đi đó sẽ không có lợi”.

Trước đó một ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi đối thoại, và tiến hành các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng ở Vùng Vịnh.

Nghĩa là, hiện tại, Mỹ cứ gia tăng sức ép theo cách của mình (thậm chí là chưa tham vấn các đồng minh, theo một nguồn tin từ Bộ Tài chính Mỹ), nhưng I-ran thì không thể làm như vậy.

Các kênh hòa giải đã sẵn sàng được thiết lập, bởi sẽ chẳng cường quốc nào được lợi lộc gì nếu xung đột quân sự xảy đến ở vùng biển mang tính “yết hầu” với toàn bộ nền kinh tế thế giới đó. Song, tiến trình hòa giải sẽ diễn ra như thế nào, khi I-ran đã và đang liên tục bị Mỹ dồn ép, liên tục bị tổn thương trên “mặt trận không tiếng súng” nhưng lại có sức công phá gấp bội, là kinh tế - tài chính?

Cuối cùng, họ sẽ phải nhượng bộ chăng? Sẽ phải chấp nhận tái thương thảo JCPOA chăng? Hay “tung hê” tất cả, để lại bị đồng loạt bao vây và cấm vận như trong quá khứ, đằng đẵng vật lộn bao nhiêu năm?