Khởi đầu trong dang dở

Vậy là sau hai năm đàm phán cam go, ngày 10-12, Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Mê-hi-cô (Mexico) - Ca-na-đa (Canada), gọi tắt là USMCA, cũng đã đạt được một bản thỏa thuận hoàn tất. Thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trong quá khứ, USMCA được trông đợi sẽ trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế mới đối với khu vực này. Tuy nhiên…

So với thỏa thuận sơ bộ được ký vào năm ngoái, bản thỏa thuận hoàn tất này của USMCA chú trọng thêm nhiều đến việc thắt chặt các điều khoản về lao động - vấn đề làm nổ ra những cuộc tranh luận tương đối gay gắt khi ý tưởng này được hình thành, lúc đương kim Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump) mới đắc cử. Nhưng cho đến lúc này, như chính ông chủ Nhà trắng nhận xét: Ðại diện đàm phán các bên “đã đạt được rất nhiều bước tiến tích cực”, để dàn xếp các bất đồng và tháo gỡ những rào cản cuối cùng.

Trái với những nghi ngại ban đầu, khi nước Mỹ bày tỏ ý định “khai tử” NAFTA để kiến tạo một hiệp định thương mại tự do mới, với những điều khoản mới, sau hai năm, cả Mê-hi-cô lẫn Ca-na-đa đều thể hiện sự tin tưởng và tinh thần lạc quan một cách rõ rệt. Sau một quá trình đàm phán kéo dài và không ít trắc trở, phái đoàn Mỹ rút cục đã thuyết phục được hai nước láng giềng rằng đây chính là “thỏa thuận thương mại tốt nhất trong lịch sử”.

Với USMCA, Bắc Mỹ sẽ trở thành một khu vực kinh tế gắn bó hơn, giàu sức cạnh tranh hơn, với 500 triệu dân cùng mức trao đổi thương mại giữa ba nước ước đạt hơn 1.138 tỷ USD trong năm 2018. Và có lẽ, cũng sẽ mang nhiều tính chất “Nước Mỹ trên hết” hơn so với NAFTA.

Mới đầu tháng 9-2019 này thôi, Mỹ vẫn còn áp mức thuế nhập khẩu mới đối với mặt hàng thép xây dựng của các nhà sản xuất Mê-hi-cô, khi bị cho là đã bán phá giá trong khoảng từ 0% đến tận…141%. Ðó không phải lần đầu Mỹ cứng rắn với người láng giềng phương nam của mình như vậy. Ðó chỉ là sự tiếp nối của một chuỗi hành động đầy tính răn đe mà đương kim Tổng thống D. Trump ấp ủ từ khi vẫn chỉ là một ứng viên, mà khởi đầu là ý tưởng xây bức “Vạn lý trường thành” ngăn chặn những dòng người nhập cư bất hợp pháp. Ca-na-đa, người hàng xóm phương bắc, cũng đã phải trải qua không ít bất đồng và xung đột về quan điểm với nước Mỹ, về các mặt hàng công nghiệp ô-tô, hay chuyện mở cửa thị trường sản phẩm sữa.

Lý do đầu tiên mà Oa-sinh-tơn (Washington) muốn khai tử NAFTA để “sắp xếp lại trật tự” rất đơn giản: Trong quá khứ, nước Mỹ luôn phải chịu thâm hụt thương mại quá lớn so với hai nền kinh tế còn lại. Và bây giờ, bằng cách này hay cách khác, họ đã thuyết phục được Mê-hi-cô và Ca-na-đa chấp nhận thay đổi thực trạng ấy.

Có điều, thực tế, cho đến lúc này, mới chỉ có Quốc hội Mê-hi-cô chính thức thông qua USMCA theo như quy định (tháng 6-2019), để hiệp định ấy có hiệu lực. Phía Ca-na-đa không vội vàng như vậy. Họ chờ đợi những biến động có thể tác động đến USMCA, từ chính trường nước Mỹ. Bởi vì, quả thật, hoàn toàn có thể xảy ra những biến động như thế.

Là nước khởi xướng đàm phán USMCA, nhưng đến hiện tại, Quốc hội Mỹ vẫn đang thể hiện những động thái dở dang và khó đoán định về khả năng phê chuẩn hiệp định này. Một mặt, các chính trị gia đảng Dân chủ đối lập vẫn bày tỏ mong muốn rằng USMCA sẽ được thông qua ngay trong năm nay. Mặt khác, rất nhiều nghị sĩ, ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện, lại thúc đẩy tiến trình đòi luận tội đương kim Tổng thống Mỹ. Mà với việc đòi hỏi “phiên tòa” đó, Quốc hội Mỹ sẽ chẳng còn thời gian để tập trung cho việc xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận mới của USMCA nữa.

Rất có thể, USMCA sẽ phải đợi các nghị sĩ Mỹ đến năm 2020, hệ quả đi kèm là Quốc hội Ca-na-đa cũng vẫn cảm thấy không có gì phải gấp gáp. Nhưng, năm 2020, nước Mỹ sẽ còn bận rộn hơn hiện tại. Và có lẽ, đương kim Tổng thống sẽ còn bị công kích nhiều hơn hiện tại. Cuộc đua gay gắt đến Nhà trắng chuẩn bị vào chặng nước rút rồi.