Khó, nhưng không phải là không thể

Đầu tháng 4-2019, Ca-na-đa (Canada) nhận một tin chẳng mấy vui vẻ. Theo báo cáo của Bộ Môi trường và biến đổi khí hậu quốc gia, nền nhiệt độ chung của Ca-na-đa đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Và các nhà khoa học nhận định:

Xu hướng này khó có thể thay đổi.

Nhưng, còn hơn thế, đây hoàn toàn không chỉ là vấn đề của đất nước có diện tích lớn thứ hai thế giới, với lãnh thổ trải dài quanh chí tuyến bắc. Khí hậu miền bắc Ca-na-đa, khu vực nằm sát Bắc Cực, thậm chí còn đang ấm lên nhanh gấp ba lần phần còn lại trên toàn địa cầu. Những tầng băng vĩnh cửu đã, đang và sẽ còn tan đi mỗi lúc một nhanh. Mưa dầm đổ xuống miền nam Ca-na-đa nhiều hơn. Mực nước các đại dương sẽ dâng lên, xâm thực vào những khu vực đồng bằng duyên hải ở mọi châu lục. Những sinh quyển thay đổi, theo đà biến chuyển mỗi lúc một khắc nghiệt.

Ở Nam bán cầu, đón năm mới, Ô-xtrây-li-a (Australia) vừa trải qua tháng nóng nhất trong lịch sử (1-2019), với hạn hán, cháy rừng, nắng nóng kỷ lục (lên tới 490C), các loài sinh vật chết hàng loạt.

Song, 10 năm qua, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến không biết bao nhiêu “kỷ lục” kinh hãi như thế, về mặt môi trường.

Tuy nhiên, song song với những nỗi lo lắng kéo dài của các chuyên gia, nối tiếp sự kiện phong trào bãi khóa xuống đường tuần hành vì môi trường của học sinh, sinh viên bùng nổ khắp nơi trên thế giới (từ tháng 2 đến tháng 3), vẫn có những điểm tựa cho niềm hy vọng. Ngày 2-4, Bộ Môi trường CHLB Đức công bố một báo cáo cho thấy: lượng khí thải nhà kính của nước Đức trong năm 2018 đã giảm được 4,2% so với năm 2017. Tổng lượng khí nhà kính phát thải được ghi nhận là 868,7 triệu tấn, thấp hơn khoảng 30,6% so với mức trung bình ở những năm 1990.

Tín hiệu tích cực này, theo giới nghiên cứu, xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Thời tiết ấm lên khiến người dân không cần sử dụng quá nhiều năng lượng cho các thiết bị sưởi ấm (một hệ quả bất ngờ của tiến trình thay đổi nhiệt độ toàn cầu); và quan trọng hơn là việc nước Đức chuyển dần từ các nguồn năng lượng cũ (nhiệt điện và điện hạt nhân) sang những nguồn năng lượng thân thiện với môi trường (điện gió và điện mặt trời), giúp làm giảm đáng kể lượng khí thải.

Theo lộ trình đã định, đến năm 2030, nước Đức vẫn duy trì mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải, và cố gắng “về đích” ở mốc 0% vào năm 2050.

Nghĩa là, không phải hành tinh xanh này đã ở vào tình trạng tuyệt vọng. Vẫn còn đủ cả thời gian lẫn phương tiện cho loài người, để đảo ngược sự suy thoái của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Song, cũng không nên quá lạc quan. Cũng còn khá nhiều câu hỏi đặt ra, mà không dễ dàng tìm được câu trả lời.

Có bao nhiêu quốc gia sẵn sàng “noi gương” nước Đức, trong việc thiết lập một lộ trình triệt tiêu khí thải cụ thể, với những giải pháp cụ thể? Thực tế, diễn biến hành động của các quốc gia sau Thỏa thuận Pa-ri (Paris) về chống biến đổi khí hậu toàn cầu (năm 2015) là không mấy khả quan, khi bị ngáng trở bởi những bài toán cân đối lợi ích ở lĩnh vực sản xuất - kinh tế - thương mại.

Không chỉ vậy, chi phí chuyển dịch cơ cấu năng lượng về các nguồn thân thiện với môi trường còn khá đắt đỏ, mà nhiều quốc gia trên thế giới còn không thể kham nổi. Nếu những cường quốc khoa học - công nghệ không sẵn sàng chia sẻ các thành tựu ấy vì một mục tiêu chung, những nước nghèo vẫn sẽ buộc phải bằng lòng với tình cảnh cũ, cùng những hệ lụy ô nhiễm cũ.

Và chẳng ai hình dung nổi, nếu “hiệu ứng nhà kính” có thể khiến các cơn bão trở nên mạnh gấp đôi cùng những đợt nắng nóng xuất hiện nhiều gấp 10 lần ở Ca-na-đa, phần còn lại của thế giới sẽ còn phải hứng chịu những gì?