Hoặc cây gậy, hoặc củ cà-rốt

Sức ép mà nước Mỹ dành cho I-ran (Iran) đã được đẩy lên thêm một nấc. Ngày 22-4, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump) tuyên bố rằng ông đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả tám nước và vùng lãnh thổ mà trước đó còn được đồng ý cho phép mua dầu thô từ I-ran.

Trong vòng 24 giờ sau, những phản ứng của cộng đồng quốc tế về quyết định ấy đã dậy lên, theo những cách thức hoàn toàn có thể đoán trước, đặc biệt là ở phía những bên liên đới chặt chẽ về lợi ích.

Hồi tháng 11-2018, khi Nhà trắng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực xuất khẩu dầu thô của I-ran, vẫn còn tám quốc gia và vùng lãnh thổ - gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ta-li-a (Italia), Hy Lạp và Ðài Loan (Trung Quốc) - được hưởng quy chế miễn trừ, tiếp tục mua dầu thô của I-ran trong thời hạn sáu tháng tiếp theo với số lượng hạn chế. Có thể dễ dàng nhận ra, trong số tám nền kinh tế này có cả những đối tác lớn lẫn những đồng minh quan trọng của nước Mỹ.

Nhưng hiện tại, thời hạn ấy đã đi đến những ngày cuối cùng. Và Oa-sinh-tơn (Washington) không chấp nhận những ngoại lệ ấy nữa. Họ muốn tất cả đều phải có những lựa chọn rõ ràng: Hoặc cây gậy, hoặc củ cà-rốt.

I-ran, không có gì bất ngờ, khẳng định rằng "Mỹ đã phạm sai lầm tồi tệ" khi "chính trị hóa dầu mỏ" và sử dụng "vàng đen" như "một thứ vũ khí". Tê-hê-ran (Tehran) tự tin rằng "với sức mạnh của mình, chúng ta sẽ nỗ lực đập tan các lệnh trừng phạt của Mỹ".

Tiếp sức cho niềm tin ấy của họ là phản ứng gay gắt của những trung tâm quyền lực kinh tế toàn cầu. Bắc Kinh cảnh báo rằng quyết định áp đặt trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ "càng làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Ðông, cũng như trên thị trường năng lượng quốc tế". Và Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - "kiên quyết phản đối việc Mỹ thực thi các lệnh trừng phạt đơn phương, cũng như cái được gọi là thẩm quyền mà Mỹ tự trang bị lâu nay".

Cũng trong ngày 23-4, Liên hiệp châu Âu (EU) nhắc nhở rằng động thái của Mỹ có thể "làm phương hại đến những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn cản I-ran phát triển các vũ khí hạt nhân". Và không chỉ vậy, theo Bộ Ngoại giao Pháp, cơ chế Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) - một kênh thanh toán đặc biệt của EU nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch thương mại không sử dụng USD - đang đạt được những bước tiến tích cực.

Rõ ràng, đó là những phản ứng mang tính thách thức đối với quyền lực của nền kinh tế số một thế giới.

Song, điều đáng nhấn mạnh là nước Mỹ không "cô đơn".

Miếng bánh giật khỏi tay người này, đã có kẻ khác chờ sẵn. Trong cùng chuỗi diễn biến ngày 23-4 đó, Bộ Ngoại giao A-rập Xê-út (Saudi Arabia) khẳng định rằng họ "hoàn toàn ủng hộ quyết định của Mỹ", và rằng A-rập Xê-út "sẽ hợp tác với các nước xuất khẩu dầu thô khác, nhằm bảo đảm nguồn cung và cân bằng các thị trường dầu mỏ thế giới".

Ðến đây, có lẽ mọi chuyện nên được đặt vào một bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn. Ngay sau quyết định cứng rắn của Mỹ, giá dầu thế giới đã chạm tới mức cao nhất kể từ tháng 11-2018 (thí dụ, giá dầu Brent thời gian tới sẽ là 74,30 USD/thùng). Ðó là mức giá có thể tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - thương mại của mọi nền kinh tế trên thế giới. Và bởi vậy, khi đang tiến lên hai bước, nước Mỹ lúc nào cũng có dư địa để lùi một bước.

Thách thức là không hề dễ dàng, đối với cả những đối tác vẫn còn muốn gắn bó với I-ran, lẫn những nỗ lực chống lại một trật tự thế giới với cực duy nhất nằm ở Oa-sinh-tơn.