Hòa bình!.., trong những tiếng bom?

Trong hai ngày 7 và 8-7, một hội nghị sẽ nhóm họp tại Ca-ta (Qatar), nhằm tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chính trị, mở lộ trình hòa bình cho Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan), tiến tới chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của quân đội Mỹ trên mảnh đất Nam Á tan hoang này. Thành phần tham dự sẽ có cả Ta-li-ban (Taliban), lực lượng bị đánh bật khỏi quyền lực (nhưng chưa bao giờ nguôi ý định trở lại với quyền lực) năm xưa.

Ðây là diễn biến tiếp nối của những cuộc tiếp xúc mới nhất giữa Mỹ và Ta-li-ban, những diễn biến rõ ràng sẽ khiến Oa-sinh-tơn (Washington) hài lòng. Ngày 30-6 vừa qua, người phát ngôn của Ta-li-ban - S.Sa-hin (Suhail Shaheen) - xác nhận: "Chúng tôi thảo luận để viết lại bản dự thảo các thỏa thuận, và sẽ đưa vào đó những điều khoản được thống nhất".

Thỏa thuận ấy, theo các nguồn tin quốc tế, được cho là sẽ bao gồm những cam kết: Ðất nước Áp-ga-ni-xtan sẽ không chứa chấp những nhóm khủng bố khu vực, như An Kê-đa (Al-Qaeda), còn Ta-li-ban sẽ tham gia cuộc chiến đấu chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - vốn đã quay lại khuếch trương thanh thế của mình tại khu vực này.

Với việc bảo đảm những điều kiện đó, binh sĩ Mỹ có lẽ không còn lý do nào để ở lại Áp-ga-ni-xtan nữa. Và sâu xa hơn, Chính phủ Mỹ cũng không cần phải lo rót ngân sách phục vụ chi phí cho họ ở đây nữa.

Một thỏa thuận đầy hứa hẹn và rất đáng "bỏ công bỏ sức", đối với cả Mỹ lẫn Ta-li-ban.

Song, cũng chính trong ngày 1-7 ấy - ngày các bên liên quan xác nhận thời gian và địa điểm cho vòng đàm phán kế tiếp tại Ca-ta, Áp-ga-ni-xtan lại một lần nữa rung chuyển trong kinh hoàng.

Lại một vụ đánh bom tại Thủ đô Ca-bun (Kabul). Lại có thêm ít nhất 34 người thiệt mạng cùng 68 người bị thương - như xác nhận của đại diện Bộ Y tế Áp-ga-ni-xtan. Và Ta-li-ban nhanh chóng thừa nhận trách nhiệm trong sự vụ này. Họ còn làm rõ mục tiêu: Tiến công vào Bộ Quốc phòng Áp-ga-ni-xtan. Cũng chưa ai quên, mới gần đây thôi, Ta-li-ban còn từ chối ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Áp-ga-ni-xtan A.Ga-ni (Ashraf Ghani), do mâu thuẫn về thành phần tham dự.

Nhưng, Ta-li-ban lại sẵn sàng làm điều đó với Mỹ. Và họ cũng vẫn sẵn sàng gieo rắc hãi hùng.

Thông điệp ở đây là gì? Là sự hăm dọa dành cho chính quyền Ca-bun, trước một tiến trình hòa bình đòi hỏi sự nhẫn nại từ tất cả các phía? Hay là một lời thề sống chết đầy thù hận?

Và với động thái đó, các bên liên quan phản ứng ra sao?

Phía Mỹ, chuyên gia đàm phán Kha-li-giát (Zalmay Khalizad) vẫn chỉ nhấn mạnh: Ðối thoại là phần thiết yếu của mọi thỏa thuận hòa bình, để chấp nhận lẫn nhau, tìm kiếm đồng thuận, giải quyết những khác biệt chính trị bằng biện pháp hòa bình.

Phía Ðức - quốc gia đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo trợ quốc tế đối với chính quyền Áp-ga-ni-xtan - thông báo rằng đại diện chính phủ Ca-bun sẽ chỉ tham dự vòng đàm phán sắp tới "với tư cách cá nhân, và trên cơ sở ngang bằng". Một phản ứng khá "điềm đạm", bởi có lẽ với đặc phái viên Ðức về vấn đề Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan (Pakistan) - ông M.Pốt-gien (Markus Potzel), Áp-ga-ni-xtan "đang có cơ hội đạt tiến triển trong lộ trình hướng tới hòa bình". Ðức cùng Ca-ta - nước vẫn duy trì một số kênh liên lạc với Ta-li-ban - cùng nhau mở rộng lời mời tham gia đối thoại.

Cuối cùng, lộ trình tìm kiếm một giải pháp hòa bình vẫn là điều đáng được ưu tiên hơn. Vấn đề là, trên hành trình đó, nếu chính quyền Ca-bun vẫn bị thử thách theo cách này, thì nền hòa bình (cứ cho là) sẽ đạt được liệu có bền vững? Những hố sâu thù hận có được lấp đầy? Sự đồng thuận có được thiết lập? Hay tất cả sẽ chỉ là một chặng nghỉ, trước khi bão lửa bùng lên lần nữa?