Hòa bình trên mũi súng

"Muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị thật kỹ cho chiến tranh". Tư tưởng ấy dường như đang được Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump) thực hành một cách triệt để nhất trong hiện thực, với việc ký thông qua ngân sách quốc phòng mới cho năm tài khóa 2019, với dự toán chi tiêu lên tới 716 tỷ USD.

Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-10, Ðạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2019 ấy được ông chủ hiện tại của Nhà trắng đánh giá là "thương vụ đầu tư quan trọng nhất" đối với quân đội Mỹ trong lịch sử hiện đại.

Ðó là một bản kế hoạch đầy tham vọng, với mục tiêu duy nhất không hề giấu giếm: Bảo đảm ưu thế tuyệt đối về quân sự cho nước Mỹ đối với phần còn lại của thế giới. Thậm chí, như phát biểu của Tổng thống Ð.Trăm: "Các đối thủ của chúng ta đã bắt đầu tiến hành những lộ trình quân sự hóa ở bên ngoài không gian. Sẽ là không đủ nếu chúng ta chỉ duy trì sự hiện diện, mà chúng ta còn phải thể hiện được sự vượt trội ở đó", những phác thảo về một kiểu "lực lượng tác chiến vũ trụ" cũng đã hiện hữu.

Không chỉ vậy, NDAA 2019, theo một số nguồn tin, còn hướng tới việc gia tăng quyền hạn của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) - nơi xem xét các khoản đầu tư từ nước ngoài và đánh giá liệu những khoản đầu tư ấy có thể tạo nên những nghi ngại về an ninh quốc gia hay không.

Hơn lúc nào hết, quân sự, theo NDAA 2019, gắn bó mật thiết và được thể hiện là một công cụ răn đe đắc lực phục vụ cho các mục tiêu kinh tế - chính trị. Hay nói ngược lại, bất cứ nguy cơ mất an ninh quốc gia nào hiện hữu từ các vấn đề kinh tế - chính trị cũng được xem là đối tượng mà chiến lược quốc phòng mới hướng đến.

NDAA mới không chỉ cho phép quân đội Mỹ mạnh tay mua sắm 77 máy bay chiến đấu tiến công hỗn hợp hiện đại F-35 (trị giá khoảng 7,6 tỷ USD), mà còn cấm chuyển giao những phi cơ tối tân ấy cho Thổ Nhĩ Kỳ, nếu An-ca-ra (Ankara) vẫn hoàn tất hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

NDAA mới cũng không chỉ xác nhận các biện pháp nhằm hạn chế khả năng triệt thoái bớt quân số binh sĩ Mỹ hiện đang đồn trú ở Hàn Quốc - nghĩa là không từ bỏ khả năng khống chế các diễn biến trên thực địa bán đảo Triều Tiên, mà còn quy định quyền kiểm soát của Quốc hội đối với một số trường hợp thương mại cụ thể (được chỉ đích danh là các bản hợp đồng đã được ký với các tập đoàn công nghệ Huawei và ZTE của Trung Quốc - vốn đã từng gây nên rất nhiều tranh cãi về các nguy cơ mất an toàn thông tin mạng).

Một cách toàn diện, với đạo luật mới này, Nhà trắng và Lầu năm góc "dễ co dễ duỗi" hơn nhiều, trong hầu như mọi vấn đề liên quan tới lĩnh vực an ninh - quốc phòng.

Có điều, cũng chính vì những thay đổi rõ rệt ấy và mục tiêu mang tính áp chế ấy, không có gì bất ngờ khi Nga và Trung Quốc phản ứng tương đối mạnh mẽ, đối với những nội dung bị xem là "mang tính tiêu cực" hướng đến họ, trong NDAA.

Nếu điện Krem-li (Kremlin) nhấn mạnh rằng "kho vũ khí của Mỹ lớn hơn gấp nhiều lần so với kho vũ khí của Nga và không có lý do gì để Nga bị mô tả như một mối đe dọa đối với bất kỳ ai"; nếu Bộ Ngoại giao Nga nhắc nhở thế giới rằng theo NDAA mới, chính Mỹ tạo nên nguy cơ phá vỡ an ninh quốc tế và gây quan ngại, thì Bắc Kinh "trao công hàm phản đối tới Mỹ", đồng thời "kêu gọi Oa-sinh-tơn (Washington) từ bỏ kiểu tâm lý Chiến tranh lạnh và thứ trò chơi "được ăn cả, ngã về không", cũng như khách quan xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc".

Hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ấy vốn đã khá khăng khít với nhau ở nhiều vấn đề. Và dường như, với đạo luật mới này, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm càng đẩy họ đứng sát lại với nhau. Vậy thực ra, điều ông hướng đến liệu có thể sẽ thành "lợi bất cập hại"?

Ðó là một câu hỏi không dễ trả lời. Ðáp án, có lẽ, sẽ chỉ hé mở đôi chút vào tuần tới, khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ G.Bôn-tơn (J.Bolton) gặp giới chức Nga tại Thụy Sĩ. Ðã tiến hai bước liền bằng cách tăng cường vũ trang, cũng có thể nước Mỹ sẽ lùi lại một bước, để nói chuyện về hòa bình…