Hòa bình trên đầu súng

Bất chấp hòa đàm, bất chấp những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, những ngày qua, Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan) lại chìm trong khói lửa giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng Ta-li-ban (Taliban). Mất mát và thù hận tiếp diễn, liệu còn cơ hội nào để giữ hòa bình trong tầm tay?

Đó thật sự là nghịch lý, một nghịch lý đẫm máu. Ngày 21-9, nghĩa là chưa đầy 10 ngày sau khi Chính phủ Ca-bun (Kabul) bắt đầu tiến trình đàm phán hòa bình cùng phiến quân Ta-li-ban tại Ca-ta (Qatar, ngày 12-9), Áp-ga-ni-xtan đạt tới đỉnh điểm của những làn sóng xung đột và bạo lực. 

Ít nhất có 57 thành viên các lực lượng an ninh chính phủ thiệt mạng, và hàng chục người khác bị thương, sau một loạt vụ giao tranh với các tay súng Ta-li-ban ngày hôm đó - theo số liệu do Chính phủ Áp-ga-ni-xtan công bố. Nếu tính cả quãng thời gian hai tuần cho đến ngày 21-9, thì tại 24 tỉnh của Áp-ga-ni-xtan, đã có tới 98 dân thường thiệt mạng, và 230 người bị thương. 

Trước đó một tuần, ngày 14-9, có khoảng 20 tay súng Ta-li-ban bị hạ gục, sau một cuộc tiến công thất bại. Trước đó nữa ba ngày, nghĩa là ngay trước thềm hòa đàm, Ta-li-ban tiến hành tới 18 vụ tiến công vào các doanh trại trên khắp đất nước. 

Đàm phán hòa bình, éo le thay, lại châm ngòi bạo lực. 

Ngày bắt đầu đàm phán hòa bình 12-9, Áp-ga-ni-xtan trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tơ-rét (Antonio Guterres) ngay lập tức bày tỏ hy vọng rằng tiến trình hòa bình vừa được khởi động tại Ca-ta ấy sẽ mang lại cơ hội để giúp “hàng triệu người dân Áp-ga-ni-xtan phải tha hương chạy trốn cuộc chiến có thể trở về nhà”. Bên cạnh đó, ông xem sự hiện diện của mọi đối tượng - phụ nữ, trẻ em và các nạn nhân trực tiếp của cuộc xung đột - sẽ mang lại hy vọng sáng sủa nhất về một giải pháp bền vững. 

Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) G.Xtôn-ten-béc (Jens Stoltenberg) nhận xét: Sau gần hai mươi năm xung đột, lần hòa đàm này là cơ hội tốt nhất để mang lại hòa bình cho Áp-ga-ni-xtan. Và hòa bình, ổn định của đất nước ấy cũng sẽ chính là lợi ích dành cho tất cả. Bởi vậy, “các bên cần tham gia cuộc đàm phán một cách chân thành, hướng đến mục tiêu cuối cùng là chấm dứt hoàn toàn bạo lực”. 

Tuy nhiên, NATO cũng đánh giá rằng tình trạng bạo lực tại Áp-ga-ni-xtan vẫn ở mức “không thể chấp nhận được”, và yêu cầu Ta-li-ban “thực hiện các bước đi quyết định”. 

Để rồi, Ta-li-ban đáp lời bằng những vụ tiến công. 

Vì sao bạo lực lại gia tăng? Vì sao Ta-li-ban bác bỏ mọi đề xuất ngừng bắn với Chính phủ Ca-bun? 

Một cách ngắn gọn, có thể nhận định rằng Ta-li-ban muốn chiếm được nhiều ưu thế hơn trên bàn đàm phán, bằng cách chứng minh với cả thế giới rằng họ đủ sức và xứng đáng đòi hỏi thêm quyền lực trong một giải pháp chính trị tương lai. Hoặc ngược lại, chứng minh rằng Chính phủ Ca-bun còn thiếu năng lực, chưa đủ mạnh mẽ. 

Không chỉ vậy, giới quan sát có lẽ cũng không thể bỏ qua yếu tố Mỹ và phương Tây. Mỹ đã có một thỏa thuận riêng với Ta-li-ban, về tiến trình triệt thoái binh sĩ Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan. Đương kim Tổng thống Mỹ lại đang chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử tổng thống, nơi mọi trắc trở trong chiến lược đối ngoại đều có thể biến thành chướng ngại vật trên đường đua. Trong khi đó, NATO cũng vẫn cam kết sát cánh, hỗ trợ huấn luyện và tài trợ cho các lực lượng an ninh của Chính phủ Ca-bun nhằm bảo vệ những thành quả đã đạt được - nghĩa là không tương thích với những gì Ta-li-ban hướng đến. 

Tất cả những sự liên kết rối rắm và phức tạp đó vẫn đang làm rộ lên những tiếng súng, càng khiến hòa bình trở nên mong manh.