Hàn gắn lại lòng tin?

Bất chấp những tác động ghê gớm của đại dịch toàn cầu Covid-19 lên các nền kinh tế, trong năm 2020 - năm thứ sáu liên tiếp, các thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng Ca-na-đa (Canada) vẫn tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng, với mức tăng trên thực tế là 3,9%. Một tín hiệu rất đáng chú ý, khi những “cấn cá” trong mối quan hệ NATO - Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn còn nguyên đó. 

Trong cuộc họp báo hằng năm công bố báo cáo chi tiêu quốc phòng của NATO, ngày 16-3, Tổng Thư ký NATO - G.Xtôn-ten-béc (Jens Stoltenberg) - không giấu vẻ hài lòng, khi bày tỏ hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đà tăng, do NATO vẫn đứng trước những thách thức về an ninh.
  
Trong năm 2020, có 11 nước thành viên, đã thực hiện được mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so con số chín nước trong năm 2019.

Có vẻ như, sự “hợp tác” của các quốc gia thành viên NATO thuộc châu Âu đang cho thấy rằng, sau khi nhiệm kỳ của cựu tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm (Donald Trump) kết thúc, một tiến trình “tan băng” đã và đang thật sự được thúc đẩy, từ cả hai bờ Đại Tây Dương.  

Tuy vậy, thực tế có lẽ sẽ còn nhiều trở ngại chưa thể định lượng rõ, trong chặng đường trước mắt. 

Tròn một tháng trước, tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO (diễn ra trong hai ngày 17 và 18-2), trong khi Tổng Thư ký NATO kêu gọi “gây dựng lại lòng tin đã mất”; trong khi chính quyền của tân Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (Joe Biden) tuyên bố: Việc cài đặt lại quan hệ với các đồng minh của Mỹ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, đồng thời khẳng định các cam kết trong vấn đề phòng thủ tập thể theo Điều 5 Hiến chương NATO vẫn còn nguyên giá trị; thì một bầu không khí hoài nghi về rất nhiều điểm cụ thể của mối quan hệ này vẫn hiện hữu từ phía các thành viên châu Âu.

Trong những điểm đó, mức độ đóng góp của các thành viên vào công cuộc phòng thủ chung vẫn còn là “điểm nghẽn”. Đây cũng chính là khởi nguồn của sự rạn nứt giữa Mỹ và “những bạn bè cũ” ở cựu lục địa, khi cựu tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm cho rằng đất nước của ông đã phải gánh đỡ quá nhiều trách nhiệm, và đòi hỏi một cơ chế công bằng hơn. 

Chính từ xung đột này mà những cuộc khẩu chiến dữ dội đã nổ ra. Và hơn thế, ý tưởng xây dựng một “Quân đội châu Âu” độc lập với NATO cũng hiện hữu, với những phác thảo của nước Pháp và nước Đức - hai cường quốc lãnh đạo EU.
 
Hiện tại, tổng chi tiêu dành cho quân sự của 30 nước thành viên  NATO trong năm 2020 đã lên tới 1.028 tỷ USD, trong đó Mỹ vẫn đóng góp phần lớn với 71%. Bên cạnh đó, với những đòi hỏi từ nội bộ nước Mỹ, nhất là sau khi gói cứu trợ 1.900 tỷ USD nhằm hạn chế ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được thông qua, có thể tin rằng một nước Mỹ “cần tiền” sẽ chỉ có thể mềm mỏng hơn trên ngôn từ, chứ khó lòng “hào hiệp” như trước khi ông Trăm lật ngửa các quân bài. 

Ngược lại, cũng sẽ là hơi lạc quan nếu nhìn nhận việc các thành viên NATO thuộc EU không ngừng tăng chi tiêu quốc phòng đơn thuần là chỉ dấu minh chứng cho sự đồng thuận nội bộ tổ chức quân sự ấy. Không nên quên rằng, trong thế giới đang phân cực mạnh mẽ hiện tại theo tiến trình tái sắp xếp trật tự, bản thân EU hay nước Đức hay nước Pháp cũng có những tính toán hay tham vọng riêng để củng cố và nâng cao vị thế, như những trung tâm quyền lực quốc tế đích thực. Và sức mạnh răn đe về mặt quân sự luôn là một yếu tố mang tính bắt buộc cho mục tiêu đó.  

Lợi ích, xét cho cùng, luôn là điểm cốt lõi quyết định mọi mối quan hệ. Chưa kể, nếu một “Quân đội châu Âu” riêng ra đời, thì nó cũng nhất thiết phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để mang một dáng vóc xứng đáng ngay khi xuất hiện, nhằm phục vụ những mục tiêu mà vì thế nó được phôi thai…