Gò cương bên miệng vực

Vậy là kế hoạch bắt đầu tiến trình sáp nhập khu Bờ Tây vào lãnh thổ I-xra-en (Israel) ngay đầu tháng 7 này của Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ny-a-hu (Benjamin Netanyahu) đã không thể diễn ra như dự định. Không chỉ vậy, một chuỗi diễn biến tiếp nối trong vòng một tuần sau đó khẳng định rằng: Kế hoạch ấy không bao giờ nên được triển khai.

Ngày 7-7, bốn quốc gia Ai Cập, Pháp, Ðức và Gioóc-đa-ni (Jordan) cùng lên tiếng cảnh báo: Việc I-xra-en sáp nhập các phần lãnh thổ mà theo luật pháp quốc tế thuộc về Chính phủ Pa-le-xtin (Palestine) có thể gây tổn hại cho các mối quan hệ song phương.

Bộ Ngoại giao của bốn nước đã nhất trí ra một tuyên bố chung, trong đó nêu rõ: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ sự thay đổi nào đối với các đường biên giới năm 1967 vốn không được hai bên nhất trí trong cuộc xung đột. Chúng tôi cũng cho rằng động thái như trên sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho nền an ninh và sự ổn định trong khu vực, và sẽ tạo ra rào cản lớn cho những nỗ lực nhằm đạt được nền hòa bình toàn diện và công bằng”.

Ðó là một cú đòn ngoại giao trực diện giáng vào kế hoạch sáp nhập của I-xra-en, được “thiết kế” trên khuôn khổ Kế hoạch hòa bình mới cho Trung Ðông mà Nhà trắng đề xuất. Theo đó, thay vì duy trì “giải pháp hai nhà nước”, Oa-sinh-tơn (Washington) muốn các nước trong khu vực chú trọng vào việc “chung sống hòa bình” với I-xra-en.

Song, ngoài I-xra-en, cho đến hiện tại, bản kế hoạch kép này không nhận được sự ủng hộ từ bất kỳ ai.

Tuyên bố chung của Ðức, Pháp, Ai Cập và Gioóc-đa-ni chỉ là một trong rất nhiều động thái phản đối đang dấy lên trên khắp thế giới.

Ngay từ ngày 29-6, Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền – bà M.Ba-sơ-lê (Michelle Bachelet) đã một lần nữa làm rõ: “Bất cứ hành động nào của I-xra-en, dù là sáp nhập 5% hay 30% diện tích khu Bờ Tây, đều là trái phép. Ðộng thái ấy có thể tạo nên một làn sóng phản kháng kéo dài nhiều thập niên, và có thể hủy hoại cả I-xra-en lẫn Pa-le-xtin”. Cùng ngày, đặc phái viên LHQ M.Lin-cơ (Michael Lynk) kêu gọi Liên hiệp châu Âu (EU) đưa ra những cảnh báo phản đối kế hoạch sáp nhập của I-xra-en, và sẵn sàng sử dụng cả “những biện pháp ngăn chặn”, như trừng phạt kinh tế.

Trước đó, ngày 24-6, hơn 1.000 nghị sĩ châu Âu đã bày tỏ quan điểm “đặc biệt lo ngại”, rằng động thái của I-xra-en sẽ tạo nên những tiền lệ rất xấu trong các mối quan hệ quốc tế.

Châu Âu, lần này, đã không chọn đứng cùng phía với nước Mỹ. Khối các quốc gia A-rập Hồi giáo, dĩ nhiên, luôn sát cánh với Pa-le-xtin, trong cuộc đấu tranh giành độc lập và chủ quyền lãnh thổ. Và chính các lực lượng chính trị quan trọng nhất trong nội bộ người Pa-le-xtin cũng đang thay đổi.

Có lẽ chưa bao giờ, nhóm vũ trang Ha-mát (Hamas, lực lượng người Pa-le-xtin kiểm soát Bờ Tây) và phong trào Pha-ta (Fatah) của Chính phủ Pa-le-xtin lại xích gần nhau như lúc này. Những cuộc đàm phán đang được gấp rút xúc tiến, và sự chia rẽ dai dẳng giữa hai phái đang được xóa mờ, nhờ sự đe dọa thôn tính từ I-xra-en.

Nghĩa là, nếu cứ cố “nuốt trọn miếng bánh” Bờ Tây, I-xra-en rất dễ “mắc nghẹn”. Ten A-víp (Tel Aviv) đang khá lẻ loi với tham vọng của mình, khi đối diện với không chỉ một dân tộc Pa-le-xtin đoàn kết và đồng thuận hơn, mà là với cả những cái lắc đầu của cộng đồng quốc tế.

Dĩ nhiên, nếu nhất quyết sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội, I-xra-en cũng có thể tạm thời đạt được điều mình muốn. Vấn đề là, có đáng để cố gắng đạt được mục tiêu bằng mọi giá như vậy?

Có lẽ, các thành viên đảng Xanh Trắng (theo đường lối trung dung) trong Chính phủ liên hiệp I-xra-en không sẵn sàng bất chấp tất cả như đương kim thủ tướng của mình. Việc tiến trình sáp nhập vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự của Chính phủ I-xra-en (cho đến ngày 6-7) là một tín hiệu thể hiện rằng Ten A-víp đang cân nhắc lại mọi chuyện. 

Ðã cả mấy nghìn năm máu lệ tưới đẫm mảnh đất dưới chân “Bức tường than khóc”, ở cổ thành Giê-ru-xa-lem (Jerusalem)…