Giữa những khung cửa đóng

Không ai biết, đến khi nào mới có thể hiện thực hóa một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) và Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump). Cơ hội gần nhất, dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đã bị bỏ lỡ. Song, dường như, mọi chuyện còn đang sẵn sàng trở nên tồi tệ hơn nữa.

Mâu thuẫn giữa Nga và U-crai-na (Ukraina) trên eo biển Kếch (Kerch) đã trở thành cái cớ để phía Mỹ hủy bỏ cuộc gặp ấy. Cho dù, trước đó, giới quan sát toàn cầu còn đang chờ đợi sự kiện này, trong vai trò là bước đi đầu tiên nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Ngày 4-12, Ðiện Krem-li (Kremlin) chính thức tuyên bố rằng họ "cảm thấy thật đáng tiếc" khi những quyết định kết nối song phương đã bị "đảo ngược vào phút chót", cho dù "vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề chiến lược quan trọng".

Và nói như Nghị sĩ Hạ viện Ðức R.Hác-uých (Roland Hartwig), một tiếng nói có thể coi là trung lập: "Ðối thoại với nhau luôn tốt hơn là không làm gì. Quyết định của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ sẽ đơn phương đổ lỗi cho Nga. Lập trường một chiều và có phần nóng vội ấy rõ ràng sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, mà còn có thể ngăn cản những nỗ lực hòa giải".

Chẳng quốc gia nào muốn bị mắc kẹt giữa những hành lang bị bít kín.

Vấn đề là, những diễn biến tiếp theo có lẽ cũng đủ phác họa một thế cờ mà Nhà trắng cũng như Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước. Sự vụ eo biển Kếch chỉ là một phần trong thế cờ ấy, mà trước mắt, Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) đã lại được đẩy lên "tuyến đầu".

Oa-sinh-tơn (Washington), thông qua phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao M.Pôm-pê-ô (Mike Pompeo) tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đêm 4-12, tuyên bố: "Nga đã vi phạm các điều khoản của INF, và trong vòng 60 ngày, nước Mỹ sẽ chấm dứt nghĩa vụ của mình đối với hiệp ước ấy như một biện pháp khắc phục, trừ phi Nga trở lại tuân thủ một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng". Ðồng vọng với ông, cả NATO lên tiếng ủng hộ những cáo buộc này bằng một tuyên bố chính thức, rằng nước Nga đã "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình đối với INF".

Ngược lại, chỉ sau đó 60 phút, Mát-xcơ-va (Moskva) đáp trả rằng Nga vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết và Oa-sinh-tơn biết rõ điều đó. Ðồng thời, họ nhấn mạnh: Nga chưa bao giờ rút khỏi INF, còn việc Mỹ đơn phương từ bỏ sẽ phá hủy sự ổn định tại châu Âu, biến các nước trong khu vực trở thành "con tin của một chính sách vô trách nhiệm".

Có thể dự đoán rằng sau những động thái này, một loạt các biện pháp trừng phạt mới sẽ được phía Mỹ cân nhắc để áp đặt lên Nga, nối dài thêm chuỗi những mâu thuẫn vốn đã tồn tại lâu nay giữa hai cường quốc. Và cũng có thể tin rằng, Mỹ chỉ muốn đối thoại khi họ thật sự chiếm được thế "thượng phong" trên bàn đàm phán.

Nhưng, sẽ chẳng dễ dàng gì để bắt Ðiện Krem-li nhượng bộ thêm nữa. Cho dù luôn thể hiện thiện chí thảo luận, sự "thiếu nghiêm túc" từ phía Mỹ cũng đã chạm đến những giới hạn nhất định. Sức ép của những cáo buộc cũng như sự khước từ các cơ hội trao đổi quan điểm khiến Nga rất khó chấp nhận lùi bước, ở bất cứ vấn đề nào, bởi vấn đề thể diện.

Và như thế có nghĩa là bế tắc. Có nghĩa là nguy cơ tái lập tình trạng chiến tranh lạnh đang ngày một trở nên rõ ràng, như đánh giá của chính các chuyên gia phương Tây. Nếu không có một cuộc đối thoại song phương toàn diện, sẽ không thể có gì được tháo gỡ.

Mà trong khi đó, nước Mỹ cũng còn chưa giành được thắng lợi cuối cùng ở cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trong khi đó, như một số nhận xét, chính đương kim Tổng thống Mỹ Ð.Trăm cũng đang mắc kẹt với những lo ngại rằng ông sẽ bị phe đối lập chỉ trích rằng tỏ ra "lép vế" so với người đồng cấp Nga, chưa kể đến các nghi vấn Mát-xcơ-va can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016…