Giữa hai làn nước

Đã bước sang tháng cuối cùng của quý I -2020, và những cuộc đàm phán đầu tiên ở giai đoạn mới giữa nước Anh với Liên hiệp châu Âu (EU) sau Brexit (quá trình đưa nước Anh rời EU) vẫn chỉ đạt được rất ít tiến triển. Cho đến lúc này, EU vẫn phải đưa ra câu hỏi: Nước Anh thật sự muốn điều gì?

Việc nước Anh có thể tiếp cận vào thị trường chung châu Âu gần tới mức nào phụ thuộc vào chuyện họ sẵn sàng tuân thủ các quy định chung tới đâu" trong một cuộc họp báo ngày 9-3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.V.Lây-en (Ursula von der Leyen) khẳng định, sau khi nhấn mạnh: "Ðiều quan trọng là nước Anh phải xác định rõ họ muốn gì?".

Trước đó, ngày 4-3, vòng đàm phán đầu tiên giữa hai phía đã kết thúc với những bất đồng tồn tại hầu như vẫn còn nguyên vẹn, không khác là mấy so với cả chặng đường cam go đã phải vượt qua trước khi Brexit chính thức diễn ra. Những điểm bất đồng cốt lõi - tiêu chuẩn cao trong cạnh tranh, hợp tác tư pháp, quản trị quan hệ tương lai và thỏa thuận về đánh bắt cá - vẫn gay gắt như vậy, khi chưa phía nào bộc lộ ý định nhượng bộ hay thỏa hiệp.

Tuy vậy, cả bà U.V.Lây-en lẫn Trưởng đoàn đàm phán của EU – ông M.Bác-ni-ê (Michel Barnier) vẫn cố gắng bày tỏ sự lạc quan, rằng một thỏa thuận vẫn là điều có thể đạt được trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm nay.

Trong vấn đề thương mại, EU muốn có một "sân chơi công bằng" để ngăn chặn việc Anh cắt giảm những tiêu chuẩn của khối này về lao động, thuế, môi trường và trợ cấp nhà nước. Trong khi đó, Anh kiên quyết đặt ra những quy định của riêng mình với lý do "sự độc lập về chính trị và kinh tế".

Trong lĩnh vực nghề cá, phía EU muốn giữ nguyên trạng các quy định hiện nay, theo đó ngư dân của ít nhất tám quốc gia EU có quyền tiếp tục đánh bắt cá trong vùng biển của Anh và xem đây như một phần của một thỏa thuận thương mại tổng thể. Tuy nhiên, phía Anh phản đối và đòi hỏi áp dụng mô hình hợp tác giữa EU và Na Uy hiện nay, tức là hai bên sẽ thảo luận từng năm một để đưa ra phạm vi và hạn mức đánh bắt cá cho từng bên. Anh cũng muốn tách vấn đề nghề cá ra khỏi thỏa thuận thương mại chung.

Chưa giải quyết được hai vấn đề xung đột lớn nhất này, chuyện xây dựng các hành lang pháp lý cũng như phác thảo các mô hình quản trị chung cho tương lai vẫn rất khó có cơ sở để thảo luận.

Và nếu không phía nào chịu nhân nhượng, để không thể đạt được một thỏa thuận trước hạn chót, theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, nước Anh có thể mất đến 32 tỷ USD doanh thu xuất khẩu mỗi năm, bởi EU là điểm đến của gần một nửa số lượng hàng xuất khẩu từ "đảo quốc sương mù".

Trong tiến trình đàm phán này, hiện tại, nước Anh ở thế yếu hơn so với EU, đó là điều không khó nhận thấy. Tuy nhiên, cũng còn những lý do khác ngoài việc cố gắng bảo vệ lợi ích cốt lõi của chính mình để nước Anh "cứng rắn" đến thế.

Bên cạnh những sức ép từ các đòi hỏi nội tại nền kinh tế, trong quá khứ gần, cũng đã có lần áp lực từ bên kia Ðại Tây Dương dội đến. Ðó là khi chính phủ cựu Thủ tướng T.Mây (Theresa May) đưa ra bản thỏa thuận sơ bộ với EU vào năm ngoái, và chính quyền Mỹ của Tổng thống Ð.Trăm (Donald Trump) lên tiếng rằng Nhà trắng sẽ "xem xét lại các mối quan hệ kinh tế với nước Anh", nếu những điều khoản nước Anh ký với EU có khả năng làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của nước Mỹ.

Cân bằng lợi ích kinh tế giữa các đối tác (đồng thời cũng gắn liền với việc cân bằng các mối quan hệ địa chính trị chiến lược), như vậy, trở thành một bài toán hóc búa, cho bất cứ người đứng đầu chính phủ Anh nào. EU và Oa-sinh-tơn (Washington) đang càng lúc càng lộ rõ tình cảnh "bằng mặt nhưng không bằng lòng".

Và trong một diễn biến khác, chưa ai biết chính sách kinh tế đối ngoại của nước Mỹ có thể thay đổi gì nhiều hay không, cho đến khi khép lại cuộc bầu cử tổng thống cũng sẽ diễn ra cuối năm.