Dưới chân cột mốc

Đáng lẽ đó phải là một hội nghị cấp cao đầy hứng khởi, với cột mốc 70 năm thành lập và phát triển. Song, Hội nghị cấp cao khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2019 lại mở màn trong bối cảnh quá nhiều những dấu hiệu chia rẽ và xung đột quan điểm, điều khiến đương kim Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (Boris Johnson) phải kêu gọi các thành viên NATO “đoàn kết, chia sẻ, cùng nhau giải quyết những thách thức trong tương lai”, ngay trước khi khai mạc.

Và kể cả lời kêu gọi đó cũng chẳng ngăn cản được đương kim Tổng thống Pháp E.Ma-crông (Emmanuel Macron) thổi bùng lên một ngọn lửa tranh cãi gay gắt, khi tuyên bố đầy hình tượng rằng NATO đang “chết não”, do thiếu sự hợp tác chiến lược giữa các thành viên. Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Éc-đô-gan (Recep Tayyip Erdogan) thẳng thừng chỉ trích người đồng cấp nước Pháp là thiếu kinh nghiệm, không hình dung được một cách đầy đủ về cuộc chiến chống khủng bố, và đó là lý do khiến phong trào biểu tình “Áo vàng” diễn ra âm ỉ suốt một năm qua.

Hãy tạm gác sang một bên chuyện ai đúng ai sai trong cuộc khẩu chiến này, bởi ai cũng sẽ có những lý lẽ của mình. Nhưng, trên tất cả, những rạn nứt (và thậm chí là đứt gãy) trong lòng NATO đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Những thành viên của khối đã không thể tiếp tục cùng nhìn về một hướng, và liên minh quân sự hùng mạnh nhất hoàn cầu kể từ sau Chiến tranh Lạnh đang đối diện với kẻ thù nguy hiểm nhất: các vấn đề của chính họ.

Ngày 3-12, Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-béc (Jens Stoltelberg) hé lộ rằng ông đang nỗ lực để giải quyết các tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan kế hoạch của NATO nhằm bảo vệ các nước Baltic. Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu xem mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên hùng mạnh đang mỗi lúc một trở nên khăng khít với nước Nga) là khúc mắc duy nhất của NATO trong thời điểm hiện tại.

Nói một cách ngắn gọn, sau cao trào sẽ luôn là cao trào. Kể từ khi đối trọng lịch sử là khối Hiệp ước Vác-xa-va (Warsawa) tan rã sau Chiến tranh Lạnh, NATO không còn địch thủ. Hiện tại, khối liên minh quân sự đó cũng đã gần như đạt tới giới hạn của sự phát triển, khi “bành trướng” đến sát các biên giới các nước Đông Âu giáp nước Nga.

Vấn đề là, lý do thành lập ban đầu - sợi dây gắn kết các thành viên chặt chẽ nhất thông qua nhu cầu đối phó một địch thủ - đã mất, những xung đột về lợi ích giữa các thành viên càng lúc càng dễ nảy sinh. Những cuộc chiến mà NATO tiến hành ở Ban-căng (Balkan), Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan), Bắc Phi hay Trung Đông chỉ càng khiến sự giãn cách bộc lộ dễ dàng hơn, bởi không phải mọi thành viên NATO đều tìm thấy lợi ích chung tại “mặt trận” này hay “chiến địa” khác. Mà bên cạnh đó, những khoản chi phí khổng lồ khi “động binh” luôn đặt ra các bài toán hóc búa, cho bất kỳ quốc gia nào.

NATO, thật ra, đã lung lay dữ dội kể từ khi đương kim Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) lên nắm quyền, năm 2016. Ông, vì “Nước Mỹ trên hết”, đòi hỏi những đồng minh truyền thống ở cựu lục địa phải đóng góp nhiều hơn về mọi mặt vào các kế hoạch quân sự chung. Nước Mỹ dưới thời ông không sẵn lòng tiếp tục “hào phóng” như trong quá khứ nữa, thay vào đó là những đòi hỏi thực dụng.

Đáp lại, Liên hiệp châu Âu (EU), mà dẫn đầu là Đức và Pháp, mỗi lúc một nói nhiều hơn đến việc thành lập một “Quân đội châu Âu” riêng, độc lập với NATO, chỉ phục vụ cho lợi ích của cựu lục địa.

Nếu điều đó trở thành hiện thực, NATO sẽ tiếp tục tồn tại như thế nào?

Cho dù vẫn chỉ là một kế hoạch đang phác thảo dở dang (và có lẽ là cũng mang tính “dằn mặt” từ EU), thì ý tưởng về “Quân đội châu Âu” vẫn sẽ thúc đẩy những sự thay đổi trong lòng NATO, trên cột mốc 70 năm hiện hữu. Vấn đề chỉ là, các quốc gia thành viên có sẵn lòng dẹp bỏ những khác biệt, để tìm kiếm cho khối liên minh ấy một mục đích tồn tại mới hay không.

Hãy nhìn sang nước Nga. Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin), ngày 3-12, vừa bày tỏ quan điểm rằng Nga “sẵn sàng cùng NATO chống lại những mối đe dọa như khủng bố, các cuộc xung đột vũ trang và nguy cơ phổ biến ngoài tầm kiểm soát các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Chia sẻ lợi ích an ninh sẽ là xu thế chung của thế giới, liệu các nhà lãnh đạo NATO có cùng quan điểm đó, với nước Nga?