Động lực từ châu Á

Với việc Hiệp định Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP) chính thức được ký kết, rất nhiều triển vọng hợp tác kinh tế đã được mở ra cho không chỉ ASEAN, mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thị trường khổng lồ với những khát vọng lớn lao ấy chắc chắn sẽ trở thành động lực tạo nên sự thay đổi trong cách vận hành của cả guồng máy kinh tế toàn cầu.

Bao gồm sự tham gia của 10 nước thành viên khối ASEAN cùng năm đối tác ngoại khối, những quốc gia đều đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) độc lập với ASEAN - Ô-xtrây-li-a (Australia), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Niu Di-lân (New Zealand), RCEP hiện đã được xem là FTA lớn nhất thế giới, với quy mô khoảng 30% GDP toàn cầu và khoảng 30% dân số thế giới. 

Sau khi hoàn tất hành trình tám năm (bắt đầu được khởi động từ tháng 11-2012), RCEP đã thiết lập một dấu mốc quan trọng, như một minh chứng hùng hồn về xu hướng tất yếu toàn cầu hóa, bất chấp hàng loạt rào cản ngổn ngang trước mặt. Trong đó, không thể không nhắc đến sự gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu gắn liền với chủ nghĩa bảo hộ - điều đã giáng những đòn nặng nề vào không ít nền kinh tế, khiến họ ít nhiều nản lòng với tiến trình tự do hóa thương mại. 

Thậm chí, ngay nội bộ các quốc gia thành viên của RCEP, cũng đã có những khác biệt rất lớn về chính sách, lợi ích, trình độ phát triển, năng lực cải cách…, tạo nên ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình đàm phán.

Nhìn từ góc độ ấy, RCEP là một thắng lợi của nỗ lực tăng cường sức mạnh nội khối thông qua các cánh cửa hợp tác - liên kết kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn đang tê liệt bởi những hệ lụy ghê gớm của đại dịch Covid-19. Đây sẽ là nền tảng để châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực thương mại tự do mở cửa, tăng lòng tin vào cơ chế thương mại đa phương, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Dĩ nhiên rồi, nếu FTA lớn nhất thế giới này vận hành suôn sẻ, bức tranh toàn cảnh sẽ được cải thiện đáng kể, với thêm nhiều những mảng màu tươi sáng. Và cũng có lẽ, nếu điều đó trở thành hiện thực, con số thành viên RCEP sẽ không chỉ dừng lại ở 15 như hiện tại. Châu Á - Thái Bình Dương đã và đang sẵn sàng trở thành tâm điểm kinh tế thế giới, với những xung lực mới.

Có điều, ở một góc độ khác, nhu cầu tự thay đổi để tự thích ứng với tình hình cũng đã xuất hiện, tại những khu vực khác. 

Ngay sau khi RCEP được ký kết, từ Quốc hội Đức, người phát ngôn chính sách đối ngoại của Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) - ông G.Hác-đơ (Jürgen Hardt) - nhấn mạnh: “Việc hoàn tất RCEP ở châu Á tạo ra một trung tâm quyền lực thương mại mới mà không có sự tham gia của châu Âu và Mỹ”; và “Việc hình thành RCEP một phần do sự rút lui của Mỹ khỏi các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”. Bởi vậy, “nếu Liên hiệp châu Âu (EU) không nhanh chóng thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do của mình, các nước khác có thể đặt ra những tiêu chuẩn và châu Âu sẽ tụt lại phía sau”.

Đến tận lúc này, thỏa thuận thương mại sau khi nước Anh rời EU (Brexit) vẫn còn đang bị “nhấc lên đặt xuống”. Trong khi đó, những FTA dự kiến ký kết với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) hay Ca-na-đa (Canada) cũng vẫn còn nằm trên giấy. Tuy nhiên, có lẽ EU không phải là cộng đồng hay khu vực duy nhất cảm thấy bị dồn ép bởi RCEP. Mọi nền kinh tế hoặc khu vực kinh tế phương Tây đều đang thấy hiện lên trước mắt mình một hình mẫu rất khó có thể bị phủ định.

Sau cùng, khi những FTA khổng lồ như  RCEP xuất hiện để không chỉ vẽ lại bản đồ kinh tế tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, những trật tự cũ sẽ chấn động. Và trong bất cứ cuộc đua lợi ích nào, kẻ chậm chân cũng có nhiều khả năng sẽ phải chịu thiệt thòi.