Đòi hỏi duy nhất

Và có lẽ, cũng chính bởi vậy, đòi hỏi ấy rất dễ trở thành một thứ “nhiệm vụ bất khả thi” đối với tiến trình hòa bình Trung Đông dành cho I-xra-en (Israel) và Pa-le-xtin (Palestine). Cho dù, cộng đồng thế giới A-rập vẫn luôn thể hiện được sự kiên định, gắn bó và đoàn kết chung quanh vấn đề này.

Ngày 29-10, theo tờ Bưu điện Giê-ru-xa-lem (Jerusalem Post), cộng đồng các quốc gia A-rập đã lên tiếng bác bỏ bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột dai dẳng I-xra-en - Pa-le-xtin mà không dựa trên đường biên giới trước năm 1967, nghĩa là trước khi quân đội I-xra-en chiếm đóng các vùng lãnh thổ của khối A-rập (sau khi giành được các chiến thắng quân sự quan trọng trước khối ấy).

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh cố vấn cấp cao của Nhà trắng - ông G.Kớt-xnơ (Jared Kushner) có chuyến thăm tới I-xra-en và A-rập Xê-út (Saudi Arabia), nhằm chuẩn bị cho việc công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông của chính quyền Mỹ - điều được mệnh danh là “Thỏa thuận thế kỷ”.

Kế hoạch ấy, như chính ông G.Kớt-xnơ giới thiệu trước đây, sẽ rất khác biệt so với mọi sáng kiến hòa bình trong quá khứ, kể cả Sáng kiến hòa bình năm 2002 đã được Liên đoàn A-rập (AL) thông qua.

Nhưng, chính điểm khác biệt lớn nhất đó lại là điều rất khó thuyết phục cộng đồng A-rập chấp nhận.

Nói một cách ngắn gọn, sáng kiến mà Nhà trắng đưa ra hướng đến việc bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en với các nước A-rập, nhưng lại phớt lờ các điều khoản liên quan đến đường biên giới cũ năm 1967, và cũng không nhấn mạnh đến việc thực hiện giải pháp hai nhà nước dựa trên đường biên giới đó.

Nhưng với Pa-le-xtin và với cộng đồng các quốc gia A-rập, đó lại chính là những điều kiện tiên quyết để có thể đặt vấn đề bình thường hóa. Bởi, trong quan niệm cố hữu của họ, Bờ Tây hay Cao nguyên Gô-lan (Golan) là những phần lãnh thổ bị I-xra-en chiếm đóng; bằng mọi giá, kể cả các nỗ lực chống lưng của nước Mỹ, điều này sẽ không được phép thay đổi để hợp thức hóa chủ quyền.

Và ngày 28-10, tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hai bên vẫn đưa ra những luận điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi, vẫn theo phong cách quen thuộc, Chính phủ I-xra-en bác bỏ đường biên giới năm 1967, thì đại sứ A-rập Xê-út (nước đứng đầu khối A-rập) nêu rõ: “Nhân dân Pa-le-xtin đã chịu nhiều đau khổ dưới sự chiếm đóng trong lịch sử hiện đại. Bất kỳ kế hoạch hòa bình nào cũng phải dựa trên giải pháp hai nhà nước phù hợp với các quy định quốc tế và Sáng kiến hòa bình A-rập năm 2002, trong đó kêu gọi thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin có đường biên giới trước năm 1967, với thủ đô là Đông Giê-ru-xa-lem”.

Đồng vọng với lời hiệu triệu này, Đại sứ Ba-ranh (Bahrain) khẳng định: “Một nền hòa bình toàn diện và lâu dài tại khu vực sẽ không thể đạt được, nếu không có một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập, với đường biên giới năm 1967”. Và sau Ba-ranh, các quốc gia A-rập khác cùng AL, cả Tổ chức hợp tác Hồi giáo cũng đều thể hiện sự đồng thuận tuyệt đối.

Có điều, trả lời một cuộc phỏng vấn, ông G.Kớt-xnơ vẫn chỉ nói chung chung, rằng kế hoạch hòa bình của Mỹ trao cho I-xra-en nhiều cơ hội tại khu vực, đồng thời có tầm quan trọng đối với an ninh của I-xra-en. Ngoài ra, ông cũng chỉ nói thêm rằng I-xra-en và Pa-le-xtin đều cần phải nhượng bộ, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Nghĩa là, một cách khá dễ hình dung, nước Mỹ sẽ không thay đổi lập trường của mình, bất chấp cơn giận dữ của cộng đồng A-rập. Họ vẫn sẽ đứng bên cạnh người đồng minh thân thiết và quan trọng nhất của mình ở Trung Đông, như đã từng thể hiện lúc tuyên bố thừa nhận Giê-ru-xa-lem là Thủ đô mới của I-xra-en, đưa đại sứ quán của mình về đó, hay sẵn sàng thừa nhận cao nguyên Gô-lan là lãnh thổ hợp pháp của I-xra-en chứ không phải của Ai Cập.

Đòi hỏi duy nhất, đầu tiên và cuối cùng của khối A-rập không phù hợp với lợi ích của I-xra-en, và do đó, nước Mỹ sẽ không đáp ứng đòi hỏi ấy. Kể cả khi không có được một thắng lợi ngoại giao cần thiết nhằm sẵn sàng cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm tới, cái giá phải trả cũng vẫn sẽ là quá rẻ, nếu đặt lên bàn cân so sánh với việc làm mếch lòng các nhà tài phiệt gốc Do Thái ở phố Uôn (Wall)…