Đoàn kết hay là chết!

“Nếu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không cam kết tiến hành những cải thiện thực chất đáng kể trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ tạm thời đóng băng quỹ tài trợ của nước Mỹ dành cho WHO trong một thời gian dài, và xem xét lại tư cách thành viên của chúng tôi tại tổ chức này”. Ngày 18-5, một “tối hậu thư” như thế đã được gửi đi từ Nhà trắng.

Song, lần này, không phải ai cũng nghĩ như Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump).

Cũng trong ngày 18-5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tơ-rét (Antonio Guterres) phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Đại hội đồng WHO, rằng: “Thế giới phải trả giá quá đắt, vì nhiều nước phớt lờ các khuyến cáo của WHO”.

Một ngày sau đó, ngày 19-5, Liên hiệp châu Âu (EU) tuyên bố tiếp tục ủng hộ WHO và những nỗ lực đa phương nhằm ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19. Đồng thời, phát biểu với báo giới, người phát ngôn phụ trách đối ngoại của EU - V.B.Hen-rích-sơn (Virginnie Battu Henriksson) - nhấn mạnh: “Đây là thời điểm thể hiện sự đoàn kết, chứ không phải lúc làm xói mòn những cơ chế hợp tác đa phương”.

Và đề xuất của EU, về việc mở một cuộc điều tra độc lập về hoạt động ứng phó với Covid-19 của WHO, đã được cả 194 thành viên nhất trí.

Nước Mỹ trở nên lẻ loi, có lẽ đầu tiên là bởi tại cuộc họp Đại hội đồng WHO, mọi quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự đều nhận thức rõ để tái khẳng định: “Càng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chúng ta càng nhanh chóng chiến thắng đại dịch”, như nhận định của Thủ tướng Đức A.Méc-ken (Angela Merkel).

Những sự chia sẻ rộng rãi về các mô hình chống dịch thành công, đặt cạnh tình trạng “nguy kịch” của những khu vực bị Covid-19 tàn phá, trở thành minh chứng cho nhận xét của Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tơ-rét: “Các quốc gia đang theo đuổi những chiến lược khác nhau, đôi khi mâu thuẫn nhau, và tất cả chúng ta đều phải trả giá đắt”.

Và trong nhu cầu chung tất yếu về một sự nỗ lực gắn bó toàn cầu như vậy, vai trò của WHO đã, đang, vẫn sẽ vô cùng quan trọng. WHO vẫn là “không thể thay thế, và cần có những nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển” (A.Gu-tơ-rét), vẫn là “cơ quan toàn cầu và hợp pháp, cần được các nước xem xét cách thức để tiếp tục nâng cao chức năng cũng như vai trò, trong đó có việc bảo đảm nguồn tài chính bền vững” (A.Méc-ken).

Tất cả những động thái đó dường như đều là những lời đáp trả kín đáo nhưng đanh thép, dành cho lời hăm dọa “cắt tài trợ cho WHO” của nước Mỹ.

Nếu muốn giải mã sự cứng rắn của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm, có lẽ đầu tiên không thể không xét đến hai vấn đề: Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay, và mức đóng góp của nước Mỹ (hay nói ngắn gọn là “chuyện tiền nong”).

Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO (với khoảng 450 triệu USD/năm). Con số đó có thể hạ xuống chỉ còn 40 triệu USD/năm, như những gì Tổng thống Mỹ Đ.Trăm úp mở. Rút khỏi các định chế đa phương hoặc giảm bớt các phần chi phí thâm hụt cho nước Mỹ, kể từ chiến dịch tranh cử năm 2016, đã luôn là chiến lược ưa thích của ông chủ Nhà trắng. Nó bảo đảm cho ông sự ủng hộ trung thành và rộng rãi từ các cử tri - những người đóng thuế cho ngân sách chính quyền liên bang.

Và còn hơn thế, là những khía cạnh tế nhị của thứ “quyền lực mềm” được tạo nên bởi những chồng USD. Hãy nghe Thứ trưởng Ngoại giao Nga S.Ry-áp-cốp (Sergei Ryabkov) lên tiếng ngày 19-5: “WHO không nên trở thành đòn bẩy để xây dựng các mục tiêu khác ngoài mục tiêu xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế hiệu quả nhất nhằm chống dịch Covid-19”. Theo đó, nước Nga “phản đối việc chính trị hóa mọi thứ liên quan đến sự lây lan của SARS-CoV-2”, và nước Nga “ủng hộ việc tìm kiếm các phương thức cho phép tiến tới các giải pháp hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn đại dịch, cũng như củng cố vai trò của WHO, ngăn chặn tổ chức này suy yếu”.

Trong “thế giới phẳng” hiện đại, ngoài các sản phẩm Hollywood, làm gì còn tồn tại “siêu anh hùng đơn độc cứu rỗi thế giới”?