Điểm nghẽn cũ trên hành trình mới

Có lẽ với những diễn biến mới nhất, các nhà quan sát quốc tế từng dự liệu lạc quan về triển vọng tân Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đưa nước Mỹ trở lại thỏa thuận lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã có thể có đôi chút thất vọng. Hành trình hồi sinh thỏa thuận đó vẫn đang giậm chân tại chỗ, với sự cứng rắn không có gì mới mẻ từ cả hai phía: Mỹ và I-ran (Iran).

Ngày 28-2, “dựa trên những hành động và tuyên bố gần đây của Mỹ cũng như ba cường quốc châu Âu (Anh, Pháp, Đức - những cường quốc tham gia ký kết JCPOA năm 2015, bên cạnh Mỹ, Nga và Trung Quốc)”, Bộ Ngoại giao I-ran cho rằng “hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để tổ chức cuộc gặp không chính thức với các nước này, theo đề xuất của Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU)”. 

Bất chấp việc Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây của họ tỏ ra “lấy làm tiếc” về quyết định đó, ngay ngày 1-3, I-ran tiếp tục tái khẳng định: “Chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn cần phải thay đổi chính sách của chính quyền Đô-nan Trăm (Donald Trump) tiền nhiệm, là gây sức ép tối đa đối với Tê-hê-ran (Tehran)... Nếu muốn đàm phán với I-ran, trước tiên họ phải bãi bỏ các biện pháp trừng phạt”.

Ngày 2-3, Tê-hê-ran cảnh báo: “Các hành động chống lại kỳ vọng của chúng tôi sẽ có ảnh hưởng bất lợi đến tiến trình ngoại giao, và có thể nhanh chóng khép lại mọi cơ hội thương thảo”. Lời cảnh báo này nhắm đến việc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ra nghị quyết chỉ trích việc I-ran đơn phương ngừng một số hoạt động thanh sát hạt nhân. 

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao nước cộng hòa Hồi giáo ấy cũng vẫn hy vọng “tất cả các bên hành động sáng suốt và thận trọng”, đồng thời khẳng định “Tê-hê-ran vẫn cam kết theo đuổi giải pháp ngoại giao”. 

Và ngược lại, cho đến ngày 1-3, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vẫn tuyên bố rằng Oa-sinh-tơn (Washington) sẵn sàng tiếp xúc với Tê-hê-ran, mà không cần phải quá cứng nhắc về hình thức của các cuộc đàm phán. 

Vấn đề là, một tuần trước đó, ngày 26-2, không quân Mỹ đã tiến hành một vụ không kích - mà Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích là “nhằm vào các cơ sở của các tay súng mà Lầu Năm Góc cho là do I-ran hậu thuẫn ở miền đông Xy-ri (Syria), để đáp trả các vụ tiến công gần đây chống lại quân nhân Mỹ và liên quân tại I-rắc (Iraq), cũng như các mối đe dọa nhằm vào các lực lượng này”. 

Ở bất cứ góc nhìn nào, một hành động quân sự như thế, trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền, cũng là sự vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận.

Nghĩa là, bất chấp việc cả Mỹ lẫn I-ran vẫn đều để ngỏ những cánh cửa dẫn đến bàn đàm phán, bất chấp cả việc chính quyền Mỹ đương nhiệm luôn khẳng định rằng họ sẽ đảo ngược chính sách đối ngoại mà họ cho là sai lầm dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, cho đến hiện tại, câu chuyện chung quanh JCPOA vẫn không có gì thay đổi so với bốn năm qua. Chưa có biện pháp trừng phạt nào mà Mỹ áp đặt lên I-ran được dỡ bỏ nhằm chứng tỏ thiện chí, và ngược lại, I-ran cũng đang giữ tâm lý “bài Mỹ” hiện hữu một cách gay gắt. 

Tuy nhiên, nhìn một cách toàn cục lướt qua bản đồ địa chính trị Trung Đông, và qua cả chính trường Mỹ, các chuỗi sự kiện đang diễn ra với đầy đủ các lý do của chúng.

Nếu I-ran không thể cho phép mình lập tức “xuống thang”, để tiếp tục giữ vững vị thế hiện tại trong trường hợp tái đàm phán JCPOA trở thành hiện thực, thì đương kim Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn và chính quyền của mình thậm chí còn phải thể hiện sự cứng rắn cần thiết dù vẫn đề cập tới mong muốn thương lượng. Tính hai mặt của chính sách ngoại giao hiện tại đó xuất phát từ một điểm: Nhà trắng sẽ luôn tồn tại với nỗi sợ bị xem là “nhu nhược” trên trường quốc tế, dù dưới thời một tổng thống thuộc đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ. 

Vả lại, “vừa đánh vừa đàm” vẫn luôn là một sách lược cố hữu trong thực tế, để tiến thêm được những bước quan trọng. Bởi vậy, JCPOA vẫn sẽ còn là một câu chuyện dài…