Đâm lao, thì theo lao

Dư luận Trung Đông lại dậy sóng, và dư luận thế giới cũng vậy, khi đương kim Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) chính thức ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của I-xra-en (Israel) đối với cao nguyên Gô-lan (Golan). Song, đây lại là bước tiếp nối không có gì quá bất ngờ với những động thái đã và đang diễn ra của Nhà trắng.

Những phản ứng từ cộng đồng quốc tế, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng hình dung. Liên hợp quốc khẳng định rằng những chính sách của mình về cao nguyên Gô-lan, “thể hiện trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an” là “chưa có gì thay đổi”. Bộ Ngoại giao Xy-ri (Syria) gay gắt: “Đây rõ ràng là đòn tiến công vào chủ quyền của Xy-ri. Tổng thống Mỹ không có thẩm quyền công nhận sự xâm lược này!”. I-ran (Iran) cảnh báo: “Quyết định của Mỹ gây nguy hiểm cho an ninh khu vực”.

Đến cả các đồng minh của nước Mỹ cũng không thể đứng về phía họ. Liên hiệp châu Âu (EU) khẳng định lập trường không thừa nhận chủ quyền của I-xra-en đối với mảnh đất ấy. A-rập Xê-út (Saudi Arabia), một trong những đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ tại Trung Đông, cũng ra tuyên bố phản đối. Liên đoàn A-rập (AL) làm rõ quan điểm: “Động thái này của Mỹ không có giá trị, và là sự vi phạm rõ rệt luật pháp quốc tế. AL ủng hộ Xy-ri lấy lại các vùng đất bị chiếm đóng” (cho dù AL mới đây vẫn còn “làm khó” Xy-ri). Thổ Nhĩ Kỳ lạnh lùng: “Mọi nỗ lực của Mỹ hậu thuẫn Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ny-a-hu (Benjamin Netanyahu) là vô ích”. Ca-na-đa (Canada) điềm tĩnh: “Mọi tuyên bố đơn phương thay đổi biên giới đều đi ngược lại nền tảng của trật tự quốc tế - vốn được xây dựng trên cơ sở luật định”.

Vấn đề là vì sao? Vì sao ông chủ Nhà trắng lại lựa chọn đối đầu với công luận theo cách cố chấp như vậy? Ta hãy thử dừng lại, và xem xét một số biến động chính trường Mỹ gần nhất.

Hạ viện Mỹ, ngày 26-3, đã thất bại trong việc đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Đ.Trăm đối với dự luật Ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia (khi không có đủ 2/3 số phiếu tán đồng sự đảo ngược ấy). Nghĩa là, đương kim Tổng thống Mỹ đã giành được những sự đồng thuận cần thiết, để tiếp tục việc xây tường biên giới ngăn cách với Mê-hi-cô (Mexico). Thậm chí trước đó một ngày, Lầu năm góc đã tuyên bố chuyển một tỷ USD nhằm phục vụ tuyến biên giới này.

Đó là một lời hứa trong cương lĩnh tranh cử năm 2016 mà Tổng thống Mỹ Đ.Trăm muốn thực hiện bằng được. Sự ủng hộ tuyệt đối dành cho I-xra-en, đồng thời bảo đảm duy trì lợi ích và tầm ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn (Washington) ở Trung Đông, cũng vậy. Các cử tri Mỹ gốc Do thái - giàu có và đầy quyền lực - sẵn sàng hỗ trợ cho Tổng thống. Dĩ nhiên, với điều kiện, Tổng thống Mỹ sẽ phải đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của họ.

Giê-ru-xa-lem (Jerusalem) được Mỹ công nhận là thủ đô của I-xra-en là bởi vậy. Đại sứ quán Mỹ chuyển về nơi ấy, mặc kệ sự bất bình của dư luận quốc tế cũng là bởi vậy. Và ngay khi sắc lệnh ấy được ký, với sự chứng kiến của Thủ tướng I-xra-en trong phòng Bầu dục, tình hình an ninh của I-xra-en cũng đang bị trở nên bất ổn, với khá nhiều tin tức xấu đến từ dải Ga-da (Gaza).

Đoạn kế tiếp của câu chuyện này, câu chuyện mang tầm vóc vượt khỏi những tranh chấp lãnh thổ đơn thuần, sẽ là gì ?

Hãy lắng nghe nhận định của Bộ Ngoại giao Nga: “Đây là sự báo hiệu về một “thỏa thuận thế kỷ” mà đương kim Tổng thống Mỹ đang thúc đẩy cho Trung Đông”. Cam kết gắn bó Mỹ - I-xra-en sẽ còn thúc đẩy Nhà trắng thực hiện nhiều nước cờ “táo bạo” hơn nữa trong tương lai, để cục diện Trung Đông còn trở nên khó đoán định hơn nữa.

Đến cuối cùng, nếu có thể ép cả thế giới chấp nhận hiện trạng mà I-xra-en đã xác lập được sau cuộc chiến tranh năm 1967 (đánh thắng liên quân A-rập, rồi sáp nhập cao nguyên Gô-lan năm 1981, bất chấp việc cộng đồng quốc tế không công nhận), cũng có nghĩa là trật tự thế giới đơn cực đã được Mỹ kín đáo vãn hồi.