Cuộc đua không người chiến thắng

Với việc thử thành công một loại tên lửa hành trình mới, có lẽ nước Mỹ đã bắt đầu phần nào cho thế giới nhận thấy rõ hơn về những lý do đích thực của việc họ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Và cùng với điều đó, những nỗi ám ảnh tự hủy diệt lại một lần nữa phủ cái bóng hãi hùng của mình lên toàn nhân loại.

Theo thông báo của Lầu năm góc (Bộ Quốc phòng Mỹ), một thông báo mà nghị sĩ Ph.Klin-sê-vích (Frants Klinshevicht) - thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga - đánh giá “rõ ràng là một sự nhạo báng cộng đồng quốc tế”, vụ thử tên lửa ấy đã được tiến hành ngày 18-8. Tên lửa phóng từ mặt đất đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500 km.

Đó là một phiên bản của loại tên lửa Mỹ đã rất “quen tên thuộc mặt” Tô-ma-hốc (Tomahawk), có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Vấn đề là trong quá khứ, nhờ INF, loại tên lửa đất đối đất này đã từng bị đưa ra khỏi phiên chế khí tài quân đội Mỹ. Song, giờ thì nó đã trở lại.

Không có gì ngạc nhiên khi phía Nga nhận xét rằng “Oa-sinh-tơn (Washington) đã chuẩn bị từ lâu cho việc chấm dứt INF”, và nói như Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Đu-ma (Duma - Hạ viện Nga) Y.Svút-kin (Yuri Shvutkin), “Mỹ đã vi phạm thỏa thuận này từ khi nó vẫn còn hiệu lực”. Tất cả các diễn biến đều đang hậu thuẫn cho những lời chỉ trích gay gắt đó, khi xảy đến rất nhanh, rất dồn dập và rất dứt khoát. Và nó được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận vào ngày 20-8, khi cho biết kế hoạch này đã được lên từ tháng 2 năm nay.

Cũng không có gì quá khó hiểu với những động thái ấy của nước Mỹ. Ngay từ khi bắt đầu hé lộ ý định rời INF (nghĩa là khi bắt đầu liên tục phàn nàn rằng Mỹ bị bó buộc bởi các quy định của thỏa thuận này, đồng thời cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản), ông chủ Nhà trắng bộc lộ ý định tăng cường khả năng răn đe cho quốc gia của mình, bằng sức mạnh quân sự. Lác đác những vụ va chạm giữa quân đội Mỹ và Nga trên lãnh thổ Xy-ri (Syria) ít nhiều làm rõ thêm ý định đó.

Quân sự là thành tố quan trọng để bảo đảm vị thế “cực duy nhất” của “nước Mỹ trên hết” mà Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) hướng tới. Song, bên cạnh đó, thực tế lịch sử cũng còn những khía cạnh khác để tham chiếu. Cho dù đến năm 1988, INF đã được ký kết và chính thức có hiệu lực, thì cuộc chạy đua vũ trang giữa hai siêu cường trước đó cũng đã khiến nền kinh tế Liên Xô (trước đây), vốn đã phải gánh chịu quá nhiều sức nặng, càng lúc càng bộc lộ rõ hơn các khiếm khuyết. Áp lực kinh tế tác động xấu đến kết cấu xã hội, cộng thêm những “đòn chiến tranh tâm lý” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” góp phần đẩy Liên Xô rơi vào kết cục tan rã.

Bởi vậy, ngày 18-8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khẳng định rằng Nga sẽ không thử nghiệm các loại tên lửa mới, chừng nào Mỹ vẫn còn “thể hiện sự kiềm chế tương tự”. Ngày 20-8, sau khi Lầu năm góc thông báo vụ thử thành công, Bộ Ngoại giao Nga vẫn tuyên bố: Nga sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang. Nói cách khác, nước Nga tự nhận thức được rất rõ những cạm bẫy và những hiểm họa nếu dấn thân vào một cuộc đua như thế này. Nói như Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) ngày 5-8: “Mát-xcơ-va (Moskva) và Oa-sinh-tơn cần phải cân nhắc vấn đề thật kỹ, để tránh một cuộc chạy đua hỗn loạn, không luật lệ”…

Khi hòa bình và ổn định trên toàn thế giới bị đe dọa bởi bóng đen của những giàn tên lửa, sẽ chẳng có ai thật sự chiến thắng. Mọi guồng máy kinh tế đều sẽ bị ảnh hưởng, và hận thù sẽ hủy hoại tất cả các nỗ lực hợp tác. Không chỉ nước Nga, rất nhiều quốc gia khác cũng hiểu rõ điều đó.

Thế mà, những hành động mang tính khiêu khích vẫn đã, đang và sẽ còn diễn ra…