Củng cố hậu phương

Trong khi hầu như toàn bộ dư luận thế giới bị hút vào câu chuyện tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) bị “người khổng lồ công nghệ” Google từ chối cho phép sử dụng kho ứng dụng khổng lồ của mình - như một diễn biến tiếp nối đầy gay cấn của cuộc “chiến tranh thương mại” Mỹ - Trung, thì ngày 20-5, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) tuyên bố dỡ bỏ mức thuế cao đánh vào các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ hai người láng giềng: Ca-na-đa (Canada) và Mê-hi-cô (Mexico).

Quyết định ấy, có hiệu lực ngay trong ngày được ký, nêu rõ: Bất cứ danh mục hàng hóa thép nhập khẩu nào từ Ca-na-đa và Mê-hi-cô được chấp nhận vào khu vực ngoại thương Mỹ theo “tiêu chuẩn đặc quyền nước ngoài”, từ ngày 20-5-2019, sẽ không phải chịu mức thuế 25% đã được quy định trước đó. Một quyết định tương tự liên quan các mặt hàng nhôm cũng đã được công bố.

Đây là sự cụ thể hóa bằng văn bản pháp luật thỏa thuận mà ba quốc gia Bắc Mỹ đạt được vào tuần trước (ngày 17-5), về việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhôm và thép, theo Đạo luật Thương mại mở rộng mới được ban hành của nước Mỹ.

Đạo luật ấy, và những rào cản thuế quan khắc nghiệt, đã từng là nguyên nhân tạo nên những cuộc tranh luận dữ dội giữa họ - các thành viên của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Thậm chí, để bảo vệ lý lẽ của mình khi áp những mức thuế cao ngất ngưởng (25% cho các mặt hàng thép, và 10% cho các mặt hàng nhôm), nước Mỹ đã phải viện dẫn đến cả nguyên nhân là “an ninh quốc gia”.

Vậy thì vì sao đến thời điểm này, Nhà trắng lại thay đổi quan điểm, và trở nên “dễ chịu” như vậy đối với những người hàng xóm của mình?

Câu trả lời, một phần, nằm ở cái tên này: Hiệp định Mỹ - Ca-na-đa - Mê-hi-cô (USMCA) - phiên bản mới của NAFTA. NAFTA, từ lâu đã bị đương kim Tổng thống Mỹ đánh giá là lỗi thời, với quá nhiều thiệt thòi cho nước Mỹ. Trở thành chủ nhân của Nhà trắng, ông đã chính thức chối bỏ NAFTA, và hướng đến việc xây dựng USMCA - thứ cũng khá giống với một tập hợp của các hiệp định song phương, với nhiều điều khoản được đàm phán lại, cùng nhiều điều khoản hoàn toàn mới.

Ca-na-đa và Mê-hi-cô, dĩ nhiên, lúc đầu chẳng hào hứng gì với việc bị tước mất không ít quyền lợi. Họ đã phản kháng, và các mức thuế suất đánh vào nhôm hay thép chính là những đòn “dằn mặt” của nước Mỹ. Để rồi, các cuộc đàm phán về USMCA đã diễn ra với vận tốc nhanh hơn, trôi chảy hơn, và chỉ còn đợi ngày được ba nước cùng chính thức phê chuẩn.

Cũng phải nói là 14 tháng qua, cả Ca-na-đa lẫn Mê-hi-cô đều đã phải nỗ lực chứng minh rằng ngành công nghiệp luyện kim của họ sẽ không gây nên bất cứ một vấn đề nào về an ninh, cho nước Mỹ.

Nhưng có lẽ, phần quan trọng hơn trong những lý do để tháo dỡ các rào cản thuế suất lại nằm ở ngay tại chính trường nước Mỹ.

Các thỏa thuận về USMCA đã đạt được từ tháng 10-2018, và mới ngày 5-5-2019 thôi, cựu đại sứ Mỹ tại Ca-na-đa B.Hay-man (Bruce Hayman) - một người thuộc phe Dân chủ - nhận xét rằng USMCA đã “chết yểu”. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump, trước những sự chỉ trích ấy, cần trở lại hành động để chứng tỏ rằng họ không chỉ “đạt được những thỏa thuận, rồi mặc kệ chúng”. USMCA cần phải trở thành một thực thể sống, một cộng đồng gắn bó đúng nghĩa (dĩ nhiên là dưới sự lãnh đạo của nước Mỹ), với sự hợp tác của hai thành viên còn lại. Để xích gần nhau trở lại, không gì bằng bỏ bớt những rào cản.

Và để tiếp tục yên tâm theo đuổi các cuộc chiến tranh thương mại, tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, tiếp tục đòi hỏi quyền lợi cho nước Mỹ trước cả các đồng minh lẫn đối thủ toàn cầu, cũng không thừa khi nghĩ đến chuyện củng cố hậu phương…