Sự kiện & Bình luận

Cơn thịnh nộ của sự mong manh

Ðã, đang và sẽ có những giải pháp được phác thảo, lên kế hoạch và gấp rút thực hiện, nhằm xoa dịu tình trạng căng thẳng đến tột cùng tại Ê-cu-a-đo (Ecuador). Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi đích thực - khởi nguyên của sự bùng phát những cuộc biểu tình làm rung chuyển quốc gia Nam Mỹ ấy - liệu có chỉ đơn giản là đồ thị tăng vọt của giá dầu?

Cuối cùng, với việc Bộ Quốc phòng Ê-cu-a-đo tuyên bố lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ, nhịp sống ở Thủ đô Ki-tô (Quito) cũng dần trở lại bình thường. Ði trước dọn đường và tiến hành song song với việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ấy, là rất nhiều nỗ lực của Tổng thống Ê-cu-a-đo L.Mô-rê-nô (Lenin Moreno) cũng như các cơ quan chính phủ.

Luật chấm dứt trợ giá nhiên liệu - nguyên nhân trực tiếp đẩy cả đất nước đó vào tình trạng hỗn loạn, đã bị bãi bỏ. Giá nhiên liệu sẽ trở về các mức quen thuộc cũ, cho tới khi Chính phủ Ê-cu-a-đo tìm được biện pháp mới. Bộ Năng lượng Ê-cu-a-đo cũng sẽ ưu tiên khôi phục các hoạt động trong ngành dầu mỏ, vốn đã bị ngưng trệ tại một số khu vực trong cơn bão xuống đường của những người biểu tình suốt hai tuần qua.

Và trước đó, Tổng thống Mô-rê-nô đã gặp lãnh đạo các cộng đồng thổ dân, để nhất trí về một thỏa thuận tối cần thiết, nhằm nhanh chóng vãn hồi an ninh và ổn định.

Ê-cu-a-đo, trong những ngày giông bão, đã buộc phải ngưng sản xuất khoảng hơn hai triệu thùng dầu. Nghĩa là, quốc gia ấy đã mất khoảng hơn 100 triệu USD nguồn thu.

Luật chấm dứt trợ giá nhiên liệu là gì?

Là sự luật hóa việc chấm dứt trợ giá nhiên liệu cho người dân Ê-cu-a-đo, nhằm đáp ứng các điều kiện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đổi lấy khoản vay trị giá 4,2 tỷ USD. Là điểm khởi đầu của làn sóng biểu tình dấy lên ở 17/24 tỉnh của đất nước, với hệ lụy là ít nhất 10 người thiệt mạng, 2.000 người bị thương, khoảng 100 người mất tích và khoảng 1.100 đối tượng quá khích bị bắt giữ.

Là những nhà máy lọc dầu bị đập phá, và cả một số cơ quan chính phủ bị phóng hỏa. Là cơn giận dữ của những người dân nghèo khi thấy cuộc sống bị chất thêm những gánh nặng. Sâu xa hơn, các nghiệp đoàn và các cộng đồng sắc tộc Ê-cu-a-đo còn phản đối mọi chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà chính phủ đang muốn áp đặt. Hình ảnh một Hy Lạp ở châu Âu dưới đáy những gánh nặng nợ nần năm nào dường như đã thấp thoáng tái hiện.

Chính quyền của Tổng thống L.Mô-rê-nô có những lý do của mình, để thực hiện những hành động mà họ đánh giá là cần thiết, về mặt kinh tế. Nhưng ngược lại, những người dân Ê-cu-a-đo cũng có những lý do để bày tỏ sự công phẫn.

Vì sao?

Vì trong thế giới hiện đại này, khoảng cách giàu nghèo khổng lồ giữa các giai tầng, các cộng đồng và các quốc gia đang trở thành một nỗi nhức nhối. Ðằng sau các chỉ số tăng trưởng kinh tế huy hoàng là sự thâu tóm tích lũy tư bản không thể cưỡng lại, vào tay những nhóm lợi ích bí mật. Cùng lúc, những thân phận bần cùng hóa bị khuất lấp dưới ánh hào quang cũng ngày một đông thêm.

Có riêng một thuật ngữ để dùng cho họ: "các nhóm người dễ bị tổn thương". Vài xen (cent) giá nhiên liệu tăng lên, là biết bao gia đình khốn đốn, và đó là lý do để các cộng đồng thổ dân Ê-cu-a-đo phản ứng mạnh mẽ. Họ không thể đòi hỏi quá nhiều, nhưng họ vẫn phải đòi hỏi quyền được duy trì mức sinh hoạt tối thiểu, thông qua những biện pháp mềm dẻo và "có lý có tình", chứ không phải là những sắc lệnh hay dự luật lạnh lùng. Họ mong manh, họ chẳng có gì nhiều để mất, và họ vô cùng đáng sợ khi bị dồn ép quá mức.

Chẳng ai được lợi gì khi những cuộc biểu tình cuốn cả đất nước đó vào tình trạng tê liệt. Song, căn nguyên sâu xa nhất của cơn thịnh nộ đó thì nhất thiết phải được xử lý. Ðến cả nước Mỹ cũng đã phải tìm cách tự thay đổi, sau lớp lớp những tấm biển "Chúng ta là 99%" (biểu thị việc tài sản nước Mỹ hầu hết tập trung vào chỉ 1% dân số - giai tầng đại tài phiệt), thời của phong trào Occupy Wallstreet (Chiếm lĩnh phố Uôn)…