Chưa hết... bất an

Có vô vàn lý do để cả thế giới chăm chú theo dõi những diễn biến, và ngóng chờ kết quả cuối cùng của cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ năm 2020 vừa khép lại. Song, ở lĩnh vực tài chính - thương mại, những thay đổi trên chính trường nước Mỹ có lẽ cũng sẽ không tác động nhiều đến trạng thái vận hành hiện tại của guồng máy kinh tế toàn cầu. Và như vậy, vẫn còn nguyên đó, những bất an

Bởi vì, cần phải nhấn mạnh: Có những biến động đã, đang và vẫn sẽ còn xảy ra với sức tàn phá sẵn sàng vượt khỏi tầm kiểm soát của con người, như các thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu hay đại dịch Covid-19 lây lan trên phạm vi toàn cầu. Chúng có thể làm tê liệt và hủy hoại mọi nền kinh tế, mà đứng trước những viễn cảnh đó, các gạch đầu dòng còn tương đối sơ sài trong cương lĩnh tranh cử trên "đường đua" vừa kết thúc đều mới chỉ là những nét phác thảo.

Chính nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng còn đang phải tự tìm cách cứu mình khỏi những ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Trong mọi cuộc tranh luận, chương trình cứu trợ kinh tế của hai ứng viên lúc vận động tranh cử đều là chủ đề được quan tâm hàng đầu, và dù cả hai đều cùng bộc lộ không ít khiếm khuyết về mặt hình ảnh, những người ủng hộ của họ cũng xác định: "Chúng ta không bầu cho tính cách. Chúng ta bầu cho chính sách".

Vấn đề là, trong thời điểm hiện tại, thế giới chờ đợi nhiều hơn nữa trách nhiệm từ các nước lớn, đặc biệt là cường quốc số 1 thế giới.

Chỉ vừa kịp lóe lên một vài dấu hiệu khởi sắc sau quãng dài gần như đóng băng, các kênh trao đổi thương mại quốc tế đã lại phải đối diện với những nỗi ám ảnh, từ nguy cơ bùng phát làn sóng lây lan Covid-19 thứ ba, nhất là ở châu Âu và các khu vực bắc bán cầu.

Trong bối cảnh ấy - bối cảnh mà khá nhiều quốc gia đã kiệt quệ - sự gắn kết cũng như chia sẻ của cộng đồng quốc tế là vô cùng quan trọng. Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bắt đầu cân nhắc chuyện xóa một phần nợ cho các nước nghèo, nhằm hỗ trợ công cuộc đối phó đại dịch Covid-19. Một thỏa thuận có thể được đưa ra tại hội nghị trực tuyến G20, vào ngày 13-11 tới. Nếu có được sự đồng thuận của nước Mỹ, lộ trình này sẽ trôi chảy hơn rất nhiều, và cũng sẽ thúc đẩy tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, ở những khía cạnh khác, cũng không nên quên rằng mục đích đầu tiên của nước Mỹ, cũng như bất cứ quốc gia nào khác, vẫn là lợi ích của chính mình. Trong những dự án kinh tế được đưa ra, việc nền kinh tế Mỹ giảm gần 11 triệu việc làm so với trước đại dịch vẫn là thách thức rất lớn. Và để xử lý vấn đề đó, không có cách nào khác, cả kẻ thắng lẫn người thua trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đã đều phải hứa hẹn sẽ đẩy mạnh sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào các thị trường lao động nước ngoài.

Ðó là cơ sở để có thể phán đoán rằng, nước Mỹ vẫn sẽ rất cứng rắn nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trong các định chế hợp tác song phương hay đa phương. Ðó cũng là nỗi lo đối với phần còn lại của thế giới, kể cả đối tác truyền thống lâu năm như Liên hiệp châu Âu (EU) hay nước láng giềng Bắc Mỹ, về cả sự khó khăn của các cuộc đàm phán lẫn lợi ích thu được trong thực tế.

Giá dầu tăng xấp xỉ 2%, giá vàng thế giới cũng tăng trong ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Chúng thể hiện những nỗi bất an không khó nắm bắt của các nhà đầu tư toàn cầu.

Võ Hoàng