Bước vào vòng quay mới

Rạng sáng 19-8-2020 (giờ Việt Nam), tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (Joe Biden) chính thức được đề cử làm ứng cử viên của đảng trong cuộc đua đến vị trí Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nhiệm kỳ mới, nghĩa là đối thủ của đương kim tổng thống Đ.Trăm (Donald Trump) thuộc đảng Cộng hòa.

Không ai bước vào một cuộc đua với tâm thế chuẩn bị sẵn cho thất bại. Đảng Dân chủ và cá nhân ông G.Bai-đơn cũng vậy. Hơn thế, thực trạng xã hội nước Mỹ kể từ đầu năm 2020 đang có những biến chuyển tích cực dành cho các tính toán của họ. 

Không chỉ là chuyện những thành tựu kinh tế từng đạt được ở những năm trước bị hoen mờ bởi các ảnh hưởng ghê gớm của đại dịch toàn cầu Covid-19, chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm còn đang “nghiêng ngửa” với những vấn đề bất ổn xã hội liên quan đến bất bình đẳng và nạn phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, trên phương diện đối ngoại, chiến lược ngoại giao theo tôn chỉ “Nước Mỹ trên hết” cũng đã và đang vấp phải những làn sóng phản đối dữ dội, đặc biệt là ở kế hoạch hòa bình mới cho Trung Đông hay những nỗ lực gia tăng sức ép với I-ran (Iran). 

Đến cả những nước đồng minh phương Tây truyền thống thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) cũng không sẵn lòng sát cánh với nước Mỹ ở mọi “chiến tuyến”. Họ cũng có những lợi ích cốt lõi riêng của mình, và cả những tham vọng riêng của mình. 

Tuy nhiên, sẽ là quá vội vàng để kết luận rằng cá nhân ứng cử viên G.Bai-đơn cũng như đảng Dân chủ đang lật ngược thế cờ. Trái lại, cách mà họ tiếp cận với cuộc bầu cử, dù khôn ngoan, cũng vẫn phần nào bộc lộ những hạn chế mà họ sẽ buộc phải đối diện. 

Ông G.Bai-đơn (sinh ngày 20-11-1942), một thượng nghị sĩ lão luyện trên chính trường Mỹ, cũng đã phải trải qua một hành trình khá dài và gập ghềnh, để rốt cuộc, sau những sự thể hiện có phần thiếu ấn tượng ở những vòng đầu, ông bứt lên và trở thành ngọn cờ của đảng Dân chủ lần bầu cử này. 

Tuy nhiên, ở Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, những đường nét chính trong cương lĩnh tranh cử được thể hiện dường như vẫn có chút gì đó thiếu tính thực tế. Hay nói cách khác, ông G.Bai-đơn chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể cho những gì mà đảng Dân chủ kịch liệt chỉ trích cách xử lý tình hình của đương kim tổng thống. 

Vấn đề phân biệt chủng tộc trở thành dấu ấn của đại hội, có lẽ bởi nó được “mổ xẻ” kỹ lưỡng nhất, và có được một hướng đi rõ rệt: Thiết lập một khu vực dành cho những người biểu tình, tại 16 phố gần Nhà trắng. 

Bên cạnh câu chuyện đó, những khúc mắc về phòng, chống đại dịch Covid-19, đấu tranh chống biến đổi khí hậu hoặc quan trọng nhất là vực dậy nền kinh tế mới chỉ được đề cập một cách chung chung. Kể cả ý tưởng tăng lương tối thiểu cho người lao động Mỹ lên 15 USD/giờ, dù rất đẹp đẽ, cũng có vẻ như chưa có câu trả lời thích đáng: Tiền ở đâu ra? 

Có lẽ vì vậy, Tổng thống Đ.Trăm cũng chưa vội lật lên những quân bài cốt yếu trong tay mình, khi mở đầu chiến dịch tranh cử với những bài diễn thuyết ở bốn bang. 

Với những gì đã thực hiện được trong bốn năm qua, ông vẫn đang được đánh giá là giàu sức hấp dẫn hơn, và giàu tính thực tế hơn hẳn những đối thủ từ đảng Dân chủ. 

Trong khi đó, ngay cả vấn đề phân biệt chủng tộc, truyền thông phe Cộng hòa cũng hoàn toàn không ở thế yếu. Họ đã ghìm giữ những tư liệu về cách G.Phloy (George Floyd) - người da đen thiệt mạng dưới tay cảnh sát - đã chống người thi hành công vụ như thế nào, cho đến tận bậc thềm của cuộc đua này mới công bố. Và tình hình dư luận xã hội Mỹ về câu chuyện này cũng đã bắt đầu có những đổi thay…